Rau quả lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng vì chính sách "Zero Covid" nên cho đến tháng 7/2022, ngành rau quả vẫn chỉ ghi nhận giá trị xuất khẩu âm so với cùng kỳ 2021. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này giảm tới 17,3% với kim ngạch 1,7 tỷ USD.
Ngành hàng rau quả bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương năm 2022 vào tháng 8 với con số khá ấn tượng, tăng tới 19,7% so với cùng kỳ 2021. Những tháng tiếp theo đó, xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng trưởng dương. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, xuất khẩu rau quả vẫn kịp vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt 3,365 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với năm 2021.
Với việc giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngành rau quả lại chứng minh sức sống bền bỉ khi tình hình dịch bớt căng thẳng và đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác như Mỹ (tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022), Hàn Quốc (tăng 14,1%), Thái Lan (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 7,3%), Hà Lan (tăng 47,2%), Australia (tăng 5,5%)…
Rau quả là một trong số ít những ngành hàng tăng trưởng âm so với năm 2021 của ngành nông nghiệp, tuy nhiên ngành hàng này vẫn đón nhận nhiều tin vui từ việc mở cửa thị trường cho nhiều chủng loại trái cây chủ lực.
Tổng Thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên nhận định, các thị trường liên tục mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam là một tín hiệu rất đáng mừng. Dự báo, năm 2023, sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc, tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022, có thể đạt 4 tỷ USD. Các doanh nghiệp của ngành sẽ có nhiều cơ hội hơn vào năm tới, bởi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid, cùng với đó là 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.
Riêng với thị trường chủ lực của nước ta là Trung Quốc, năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) xuất chính ngạch theo Nghị định thư. Bên cạnh đó, đợt hạn hán vừa qua đã khiến cho nhiều diện tích trái cây bị hư hại, nên nước này sẽ tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đơn cử, sầu riêng chính vụ của Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 cho đến tháng 5/2023, thời điểm hiện tại Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Trung Quốc có thể cấp thêm mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm tốt kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể tăng 20 - 30%.
Tuy vậy, ông Nguyên lưu ý Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nên doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ những quy định của nước này, kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt. Muốn làm ăn lâu dài với không chỉ với Trung Quốc mà còn nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, EU... thì phải tìm kiếm được đối tác có tiềm lực, làm việc bài bản, minh bạch và đặc biệt không gian lận nếu không sẽ đánh mất thị trường. Hiện nhiều mặt hàng trái cây tươi là sản phẩm chủ lực tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch chính nên cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nói về kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2023, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, năm tới là giai đoạn tăng tốc cho 2 sản phẩm là sầu riêng và bưởi. Chánh Thu vẫn liên tục cập nhật thông tin liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu cũng như các thông tin về hàng rào kỹ thuật, các thị trường mới... Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao liên kết cùng nông dân và các đơn vị khác để có được vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu.
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD; năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tập trung tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường. Tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng tập trung. Thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Thương hiệu pháp luật