Xuân Mai Corp: Năm 2022 chỉ hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận, nợ vay gấp đôi vốn chủ

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (UPCoM: XMC) đã có một năm 2022 kinh doanh khá tích cực khi doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng, đặc biệt là doanh thu mảng bất động sản tăng gấp đôi so với năm trước.
xuan-mai-corp-1-1675006148.jpg
 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý IV/2022, doanh thu thuần của XMC đạt 823 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Song do giá vốn tăng mạnh hơn, lợi nhuận gộp giảm 13%, đạt 75 tỷ đồng.

Trong quý, hoạt động tài chính đạt hiệu quả với doanh thu 77 tỷ đồng, tăng 83%, trong khi chi phí là 53 tỷ đồng, tăng 47%.

Cùng với 4 tỷ đồng lợi nhuận khác, XMC đã kết thúc quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của XMC đạt 1.964 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự tăng trưởng của mảng kinh doanh bất động sản (tăng 2,2 lần, đạt 706 tỷ đồng), mảng sản xuất công nghiệp (tăng 21%, đạt 304 tỷ đồng), mảng dịch vụ (tăng 22%, đạt 116 tỷ đồng) và sự ổn định của mảng xây lắp (799 tỷ đồng).

Lợi nhuận gộp đạt 205 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 10,43%, nhích thêm 0,79 điểm %. Riêng biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh bất động sản là 8,9%, của mảng xây lắp là 8,26%.

Hoạt động tài chính trong năm ghi nhận doanh thu 98 tỷ đồng, giảm 27%, do không còn cổ tức, lợi nhuận được chia lớn như năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng giảm 16%, đạt 125 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng đi ngang ở mức 8 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 55%, đạt 90 tỷ đồng. Ngoài ra, XMC cũng có lợi nhuận khác 6 tỷ đồng.

Kết năm 2022, công ty có lợi nhuận trước thuế 86 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng, tăng thêm 500 triệu đồng so với năm trước.

Năm 2022, XMC đặt mục tiêu doanh thu 2.758 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 96 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 71% mục tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh nói trên của XMC có thể nói là cũng không tệ, nhưng trong vòng 1 năm qua, kể từ sau khi cổ phiếu “lập đỉnh” hồi tháng 3/2022 (vùng giá 16.000 đồng), thì đã liên tục đi xuống; từ tháng 8/2022 xuống dưới mệnh và hiện nay đang lặn ngụp ở vùng giá 7.000 đồng.

Xét tài sản của XMC, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản đạt 4.242 tỷ đồng, giảm 0,5% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 54% tổng tài sản, đạt 2.316 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm, một tỷ lệ khá lớn. Đáng nói, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 263 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của XMC đã tăng khá mạnh mẽ trong năm qua, đạt 741 tỷ đồng, tăng 92%.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 3.343 tỷ đồng, gần như không đổi. Trong đó, nợ vay đạt 1.953 tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm. Điểm sáng là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 247 tỷ đồng, tăng 2,7 lần.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết năm 2022 đạt 899 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 3,7 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu đã là 2,17 lần – một hệ số rất cao, phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy lớn. Điều này cũng được thể hiện rõ nét trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ khi dòng tiền vay/trả trong năm của XMC đạt tới 1.805 tỷ đồng/1.830 tỷ đồng.