UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, tính đến 11 giờ ngày 22-11, tổng số ca tiếp nhận tại các BV liên quan đến sự việc là 662 ca. Trong đó, xử trí ổn định cho về theo dõi 274 ca; nhập viện điều trị nội trú 388 ca. Trong số 388 ca điều trị nội trú, đã xuất viện 251 ca (tăng 75 ca so với ngày 21-11), đang điều trị 137 ca (giảm 74 ca so với ngày 21-11); trường hợp nặng cần theo dõi: 0 ca, và có 1 trường hợp đã tử vong.
Thông cáo nêu, theo thông báo kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả xét nghiệm cho thấy: Phát hiện vi khuẩn Salmonella spp. Trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong 2 mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Đồng thời, phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.
Làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế vào sáng cùng ngày, ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà cho biết: ‘các bệnh nhân nhập viện có chung triệu chứng, như nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau bụng…, sau 6 đến 9 tiếng đồng hồ ăn thức ăn tại trường. Ngay khi tiếp nhận, các bệnh viện huy động mọi nguồn lực để cứu chữa bệnh nhân, và bám sát vào phác đồ của Bộ Y tế để điều trị. Sau đó, một số bệnh viện có thiết bị đã nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân), kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.’
Tại buổi làm việc với Sở Y tế Khánh Hoà, ông Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: ‘qua kiểm tra thực tế công tác điều trị tại một số bệnh viện có điều trị cho bệnh nhân bị ngộ cho thấy, hầu hết các cháu đang điều trị tại đây đã hết tiêu chảy; các bác sĩ tiếp tục điều trị kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, cân bằng hệ đường ruột, điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân’.
Lý giải về việc trẻ có bị di chứng gì sau khi khỏi bệnh hoặc lây nhiễm cho người khác hay không? Ông Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Vi khuẩn này hầu hết không để lại di chứng. Thường thường sau khi điều trị kháng sinh, các vi khuẩn Salmonella sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các vi khuẩn này quần cư sống trong đường tiêu hoá nên vẫn có nguy cơ lây nhiễm”.
“Vì thế, để không bị lây nhiễm và tái nhiễm, phụ huynh nên đảm bảo công tác vệ sinh, nhất là vệ sinh tay bằng cách rửa bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi trẻ đi vệ sinh. Sau khi nhiễm vi khuẩn Salmonella, hệ vi sinh đường ruột của các cháu chưa cân bằng lại được nên việc ăn uống của các cháu cần giữ gìn. Phụ huynh nên cho các cháu ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đảm bảo sạch, an toàn thực phẩm. Hy vọng với phác đồ điều trị đúng hướng, trong thời gian ngắn tới các cháu sẽ sớm hồi phục.”, ông Nguyên cho hay.
Trước đó, hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang trở về nhà thì bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và sốt, nghi bị ngộ độc thực phẩm, sau khi dùng bữa tại trường vào trưa 17/11. Các em được phụ huynh đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh viện trên địa bàn TP. Nha Trang.
Đến ngày 20/11, một nam sinh 6 tuổi đã tử vong. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa của Trường iSchool Nha Trang, được bác sĩ chẩn đoán vào thời điểm nhập viện là sốc nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm.