Kết thúc tuần giao dịch 8/7 - 12/7, cổ phiếu VPI dừng chân tại mốc 60.700 đồng/cp, qua đó đưa vốn hóa của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest vượt 14.600 tỷ đồng. Mặc dù giảm nhẹ trong phiên 12/7 song xét trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, cổ phiếu VPI hiện vẫn giữ được xu hướng tăng giá trong tuần qua.
Bước sang tuần này, cổ phiếu VPI tiếp tục đi lên với mức tăng 0,16% ghi nhận trong phiên giao dịch thứ Hai 15/7 và phiên giao dịch sáng nay 16/7.
Nếu nhìn rộng hơn, tính từ chân sóng tại tháng 8/2021, cổ phiếu VPI đã duy trì uptrend xuyên suốt 3 năm. So với vùng chân sóng, mã này hiện đã tăng gần 120%. Đây là một trong những cái tên hiếm hoi có thể giữ giá trước những "sóng gió" của thị trường chung. Thậm chí, ngay cả khi VN-Index chứng kiến nhịp chiết khấu gần 50% trong năm 2022, cổ phiếu VPI không chỉ bền bỉ tăng giá mà còn băng băng vượt đỉnh.
Tận dụng nhịp uptrend này, Văn Phú Invest đã thế chấp lượng lớn cổ phiếu VPI để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Cụ thể, doanh nghiệp vừa mới hoàn tất phát hành lô trái phiếu VPIH2426001 với tổng giá trị 150 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 27/6/2026. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo là 8 triệu cổ phiếu VPI thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư THG Holdings.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù cổ phiếu VPI vẫn giữ uptrend nhưng trái chủ vẫn phải chịu một số rủi ro nhất định khi doanh nghiệp dùng cổ phiếu này để làm tài sản đảm bảo phát hành. Trong 2 năm tới, nếu giá cổ phiếu bất ngờ giảm mạnh do biến động từ thị trường, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để bảo vệ trái chủ trong trường hợp công ty không thể trả nợ.
Không chỉ giúp Văn Phú Invest huy động được nguồn vốn dài hạn, đà tăng của cổ phiếu còn giúp Phó Chủ tịch HĐQT Tô Như Thắng có thêm hàng trăm tỷ đồng.
Trong thời gian từ 27/6-4/7, ông Tô Như Thắng, em trai Chủ tịch Tô Như Toàn, đã bán ra 3,3 triệu cổ phiếu VPI. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Thắng tại Văn Phú – Invest giảm từ 4,38% xuống còn 3,013%, tương đương gần 7,3 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo giá cổ phiếu VPI chốt phiên giao dịch 4/7 là 61.400 đồng/cp, ông Thắng có thể thu về khoảng hơn 200 tỷ đồng từ giao dịch này.
Động thái thoái vốn gần đây của ông Thắng diễn ra trước thềm đợt chia cổ tức 2023 bằng cổ phiếu của Văn Phú – Invest. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là 26/7/2024. Trong lần chia cổ tức này, Văn Phú – Invest sẽ thực hiện theo tỷ lệ 10:2 (tại ngày chốt danh sách, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu phát hành mới).
Với tỷ lệ này, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm gần 48,4 triệu cổ phiếu. Theo đó, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Văn Phú – Invest sẽ được nâng từ gần 242 triệu cổ phiếu lên hơn 290 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ gần 2.904 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phát hành thêm cũng làm cho cổ phiếu VPI bị pha loãng, dẫn đến EPS có thể bị suy giảm trong thời gian tới.
Trở lại với câu chuyện thoái vốn của ông Tô Như Thắng, hồi tháng 3, vị này cũng thực hiện bán 3,5 triệu cổ phiếu VPI, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,82% xuống 4,38%. Không chỉ vậy, cuối năm 2023, ông Thắng bán thành công 3 triệu cổ phiếu VPI, giảm sở hữu từ 7,06% xuống 5,82%. Đáng nói, động thái chốt lời của Phó Chủ tịch Văn Phú Invest từ xưa tới nay đều diễn ra ngay thời điểm cổ phiếu neo ở giá cao, dao động quanh vùng 56.000 đồng - 60.000 đồng. Như vậy, nhịp uptrend xuyên suốt 3 năm của cổ phiếu VPI đã đem về cho ông Thắng ít nhất 550 tỷ đồng.
Mặc dù bền bỉ tăng giá, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Văn Phú Invest không có quá quá nhiều điểm nhấn. Xét trong 5 kỳ gần nhất, có thể thấy rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm rõ rệt. Trong quý I, Văn Phú Invest báo lãi trước thuế 72 tỷ đồng, giảm 82%; lãi sau thuế 70 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, VPI đặt mục tiêu doanh thu 2.775 tỷ đồng, lãi sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành 4,5% mục tiêu doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II.