Viettel lãi hơn 650 triệu USD khi đầu tư ra nước ngoài

Sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thu hồi được 950,43 triệu USD. Trong đó, lợi nhuận chuyển về nước là 654,38 triệu USD.
anh-minh-thi-viettel-1666065125.jpeg
 

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022, cho biết tính đến ngày 31/12/2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 61,55 triệu USD tại 14 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các dự án của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công ty con đến ngày 31/12/2022 là 6.622,92 triệu USD (bằng 55,44% số vốn đầu tư đăng ký).

Trong số này, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (4.026,93 triệu USD, chiếm 60,80% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1.471,90 triệu USD, chiếm 22,22%); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đứng thứ ba (772,6 triệu USD, chiếm 11,67%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 94,69% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Chính phủ cho biết năm 2022, số tiền thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 427,43 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 235,75 triệu USD). Trong đó, PVN là 288,75 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước: 121,64 triệu USD, thu hồi khác: 107,12 triệu USD); Viettel là 97,06 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 53,18 triệu USD, thu hồi gốc và lãi cho vay từ cho vay cổ đông: 43,88 triệu USD); Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 37 triệu USD (thu hồi từ chuyển nhượng vốn: 37 triệu USD)...

Lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi, với tổng số tiền lũy kế là 4.086,41 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 1.990,69 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 883,54 triệu USD, thu hồi khác: 1.212,17 triệu USD), bằng 61,70% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.

Trong đó, PVN có số tiền thu hồi lớn nhất là 2.905,23 triệu USD (chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.184,47 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 549,12 triệu USD, thu hồi khác: 1.171,63 triệu USD). Đứng thứ hai là Viettel với 950,43 triệu USD (chiếm 23,26% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 654,38 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 296 triệu USD).

Số tiền đã thu hồi của 2 doanh nghiệp này chiếm 94,35% tổng số tiền đã thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, có 94 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021. Trong đó, 67 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 254,74 triệu USD (giảm 30,09 triệu USD, tương ứng giảm 10,56% so với năm 2021).

Chính phủ đánh giá một số dự án đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước có sự chuyển biến tích cực, có số vốn thu hồi lớn hơn vốn đầu tư thực hiện. Chẳng hạn như dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Nga của PVN, dự án khai thác khoáng sản của Tổng Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4, một số dự án viễn thông của Viettel tại Lào, Campuchia và Timor Leste và một số dự án xây lắp của Viettel cũng đã thu hồi gấp nhiều lần số vốn đầu tư...

Dẫu vậy theo Chính phủ, các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ lũy kế vẫn tiếp tục tăng, những dự án gặp khó khăn, vướng mắc và tồn tại, tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục chưa phát sinh thu hồi vốn đầu tư hoặc có phương án tái cấu trúc trong năm 2022. Một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng đầu tư, có nguy cơ mất vốn, như các dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP (có tỷ trọng vốn đầu tư cao), dự án muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... Một số dự án viễn thông gặp rủi ro tỷ giá, có lỗ lũy kế lớn, mất quyền kiểm soát như dự án Viettel Camaroon.