Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10%. Khi giá ngô tăng cao, lúa mì cũng được coi là loại nguyên liệu thay thế phù hợp.
Trong tháng 6/2024 cả nước nhập khẩu 288,14 tấn lúa mì, tương đương 81,45 triệu USD, giá trung bình 282,7 USD/tấn. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 3,12 triệu tấn, tương đương gần 862,33 triệu USD.
Trong tháng 6/2024 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Brazil tiếp tục giảm mạnh 88,9% về lượng và giảm 88,7% kim ngạch so với tháng 5/2024, nhưng giá tăng nhẹ 1,5%, đạt 20.416 tấn, tương đương 5,11 triệu USD. Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Brazil chiếm 36,8% trong tổng lượng và chiếm 33,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt trên 1,15 triệu tấn, tương đương 287,37 triệu USD, giá trung bình 249,8 USD/tấn.
Đứng thứ hai là thị trường Australia chiếm 20,7% trong tổng lượng và chiếm 23,3% trong tổng kim ngạch, đạt 646.844 tấn, tương đương trên 201 triệu USD, giá trung bình 310,8 USD/tấn. Tiếp đến là thị trường Ukraine đạt 545.052 tấn, tương đương 141,52 triệu USD, giá 259,6 USD/tấn, chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 16,4% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Hoa Kỳ đạt 226.157 tấn, tương đương 74,54 triệu USD, giá 329,6 USD/tấn, tăng 31,8% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch.
Trước đó, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), bao gồm các quốc gia sản xuất và nhập khẩu lúa mì lớn, dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong vụ mùa 2023 - 2024 đạt 784 triệu tấn, giảm 2,4% so với vụ mùa trước đó.
Mức tiêu thụ lúa mì thế giới năm 2023/2024 đã được nhận định sẽ tăng so với dự báo tháng 12/2023, phần lớn là do việc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở EU tăng và được dự báo sẽ tăng 2% so với năm 2022/23.