Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn số 4833/BTTTT-CVT về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất đến thời điểm tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Tại công văn, Bộ TT&TT giao các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G, đồng thời kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Trong công văn, Bộ TT&TT cũng cho biết đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh… nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong năm 2023, Bộ này sẽ có các biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm thúc đẩy chuyển đổi, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường triển khai phủ sóng 4G, triển khai 5G. Trong dài hạn đến năm 2025, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển cáp quang và nâng cao băng thông cáp quang đến hộ gia đình. Nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G và triển khai 5G.
Liên quan đến sóng 2G, Viện Nghiên cứu thị trường GFK (Growth from Knowledge) cho biết, trung bình mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 20 triệu máy điện thoại. Trong đó, khoảng 60% là điện thoại thông minh (Smartphone), 40% là điện thoại phổ thông (Featurephone, 8 triệu máy). Mặc dù còn khoảng gần 26 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G, 3G còn đang hoạt động, tuy nhiên với thời gian vòng đời trung bình khoảng 3 năm, thì lượng thiết bị này cũng sẽ dần được loại bỏ song song với việc dừng hoàn toàn sóng 2G.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư 43 nêu rõ, điện thoại chỉ 2G, 3G hoặc kết hợp 2G và 3G sẽ không được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện nay, một số nhà mạng cũng đã tiến hành tắt dần các trạm phát sóng 2G ở những nơi phủ sóng 3G, 4G tốt và nhu cầu về 2G ít, như: TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu … Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên thực hiện ngừng hoạt động tất cả 63 trạm truyền dẫn 2G trên địa bàn.
Thương hiệu Pháp luật