Việt Nam sẽ phát triển thêm điện hạt nhân quy mô nhỏ

Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành trong 5 năm. Ngoài dự án ở Ninh Thuận, Việt Nam sẽ phát triển thêm điện hạt nhân quy mô nhỏ.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp tham vấn ý kiến đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII diễn ra chiều 12/2.

Theo Bộ trưởng, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo. Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5 - 3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5 - 7 lần vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Bộ Công Thương

Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.

Đến năm 2030, quy mô công suất nguồn điện phải gấp 2,5-3 lần hiện tại, tiến tới gấp 5-7 lần vào 2050

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương cho biết giới hạn tiềm năng phát triển điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng, gồm Nam Trung Bộ (khoảng 25-30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4-5 GW). 

Trong đó, 8 vị trí có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các vị trí này nằm ở 5 tỉnh, theo Quyết định 906 ngày 17/6/2010 của Thủ tướng về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân. Trong đó, mỗi vị trí có tiềm năng phát triển khoảng 4-6 GW nguồn điện hạt nhân.

8 địa điểm, gồm 3 vị trí ở Ninh Thuận, 2 ở Quảng Ngãi, 3 chỗ còn lại ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh. Trong đó, hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hai địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 ở Bình Định cũng được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do không có quy hoạch được công bố, nên sau 10 năm, các địa điểm này cần rà soát, đánh giá lại.

Bộ Công Thương tính toán, tới năm 2050, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm 5 GW điện hạt nhân tại Bắc Trung Bộ, ngoài 4.800 MW nguồn điện hạt nhân đã cam kết tại Ninh Thuận. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và khí hóa lỏng (LNG) sẽ có thêm khoảng 8,4 GW. Các nguồn điện gió, điện mặt trời và pin lưu trữ tiếp tục tăng cao so với Quy hoạch điện VIII hiện tại.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo. Tức là, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Để đạt mục tiêu này, quy mô công suất nguồn điện đến 2030 của Việt Nam phải phát triển gấp 2,5-3 lần hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào 2050, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực

Góp ý Dự thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhìn nhận, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026-2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế. Song theo ông, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống Metro.

Với năng lượng tái tạo, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết quy mô tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021 đã đặt ra không ít thách thức. Việc tăng công suất điện mặt trời từ 18GW lên 34GW và điện gió từ 19,5GW lên 22GW là khả thi, nhưng đòi hỏi quản lý và điều phối tốt hơn trước sự gia tăng của các dự án nhỏ lẻ.

Điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến được triển khai đầu tư trong năm nay và hoàn thành trong 5 năm. Ảnh minh hoạ

Về điện khí LNG, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí để khởi động các dự án quan trọng như: Điện khí Lô B và Nhơn Trạch.

Về điện hạt nhân, ông đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án, nhưng lưu ý rằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực. Trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa. "Chúng ta nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc. Đức có 96.000 MW điện mặt trời với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc Việt Nam có tới 1.200 giờ nắng" - ông Tuấn đưa ra dẫn chứng và khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.

Ở góc độ chuyên gia, ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.

Sẽ phát triển điện hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến về dự báo tăng trưởng, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.

"Vì chúng ta đặt ra năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Như vậy kịch bản cơ sở phải để là 45-50% và kịch bản cao từ 60-65% so với hiện nay và kịch bản cực đoan là 70-75%", Bộ trưởng chỉ ra.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các phản biện từ tư duy phát triển về điện cũng như tư duy phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng: "Càng những nơi kém lợi thế khi ứng dụng công nghệ vào thì đấy lại là nơi có lợi thế để phát triển. Có thể kể đến như hình thành các trung tâm dữ liệu ở khu vực miền Trung hay hình thành những tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch ở khu vực miền Trung thì tự nhiên miền Trung sẽ phát triển. Khi miền Trung kinh tế phát triển, đồng thời chúng ta cũng sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên của miền Trung để phát triển năng lượng tái tạo".

Còn với điện sinh khối, ông lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.

Bộ trưởng cũng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Ông khẳng định sẽ tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán. Cũng như xác định khung giá theo giờ; xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng, kể cả những cái đã có và những cái chưa có.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đề xuất ngay lập tức giá điện, thủy điện tích năng. Khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.

“Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới”, Bộ trưởng nêu rõ.