Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương) cho biết, thông tin từ buổi làm việc mới đây của Ủy ban IV thuộc Hội đồng Đại biểu nhân dân (Hạ viện Indonesia) với đại diện Bộ Nông nghiệp và 1 số cơ quan liên quan cho thấy lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện đang xuống rất thấp. Cụ thể, tính đến ngày 22/11 lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện chỉ còn 594.000 tấn. Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog) cho biết sẽ cần khoảng 150.000 - 200.000 tấn gạo để bình ổn giá thị trường mỗi tháng. Nếu không có nguồn gạo bổ sung, lượng gạo dự trữ còn khoảng 300.000 tấn vào cuối năm 2022.
Theo lãnh đạo của Cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog), cơ quan này đang tích cực mua gạo dự trữ từ trong nước và buộc phải mua theo giá thị trường nhưng vẫn không có đủ gạo để thu mua. Chủ trương của Chính phủ Indonesia phải đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ 1,2 triệu tấn trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, sau ba năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, quốc gia này dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2022. Các nguồn thông tin cho thấy, nguồn nhập khẩu dự kiến mà Indonesia đang xem xét đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan.
Do đó, để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt, đặc biệt các doanh nghiệp trước đây từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia cần chủ động gửi bảng giá chào tới Cơ quan hậu cần Indonesia trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm.
Liên quan đến giá gạo Việt, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới. Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay có thể đạt từ 6,8-7 triệu tấn.
Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Doanh nghiệp, nông dân đang có xu hướng tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ... Qua đó, góp phần hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mêtan.