Ở Việt Nam, các dự án đầu tư có yếu tố xanh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và đa phần doanh nghiệp chưa chú ý phát triển các sản phẩm xanh. Vấn đề của doanh nghiệp chính là vẫn còn băn khoăn giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh.
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được áp dụng tại nhiều quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Đây là một trong những giải pháp tất yếu và hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tại nước ta, tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng vẫn còn thấp, chỉ chiếm 4,24% trong tổng dư nợ nền kinh tế năm 2021, mặc dù đã tăng so với mức 2,83% năm 2017.
Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát đều không quá mặn mà với tín dụng xanh, họ vẫn hướng việc phát triển để có được lợi nhuận tối đa. Những nỗ lực để phục hồi và bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận có tầm quan trọng vì nó ảnh hưởng đến các vấn đề của đời sống, con người và xã hội. Vì thế việc chú trọng vào nguồn vốn tín dụng xanh, cung cấp các gói tín dụng xanh phù hợp sẽ khắc phục được những vấn đề nhức nhối đối với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Điều mà các doanh nghiệp băn khoăn, trăn trở và lo lắng chính là chuyến hướng sản xuất, định hướng tiêu dùng xanh có đạt được mục tiêu về lợi nhuận kinh tế? Tuy nhiên việc phát triển kinh tế xanh đang là mục tiêu của quốc gia và toàn thế giới để chống lại biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng phát thải khí nhà kính. Đồng thời điều đó còn có nghĩa là tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tận dụng tối đa nguồn vốn xanh để kích thích nền kinh tế phát triển bền vững.
Hầu hết các doanh nghiệp đều căng thẳng khi phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong kinh doanh và đầu tư. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ, tư vấn về tín dụng xanh để phát triển theo hướng xanh và bền vững. Chính vì vậy các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cần hoàn thiện gấp rút, chính xác và tối ưu các chính sách cho lĩnh vực tín dụng xanh.
Khi các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh đúng nghĩa, các lợi ích về tăng trưởng xanh sẽ giúp phục hồi và bảo vệ môi trường. Môi trường là điều kiện cần để các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có thể lấy làm nền tảng để phát triển với mục tiêu kép: “Tăng trưởng kinh tế song song với bảo vệ môi trường”.
Tín dụng xanh là hướng tăng trưởng bền vững đang được cả thế giới quan tâm. Song nó vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam nên các doanh nghiệp vẫn còn e dè, không dám lựa chọn đầu tư phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tình cảnh này khiến cho nền kinh tế phát triển kèm theo những rủi ro ảnh hưởng đến môi trường.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Việt Nam cũng cần nới lỏng các chính sách, điều kiện cấp tín dụng xanh cho các dự án, doanh nghiệp. Giải pháp tín dụng xanh đã phát huy được mặt tích cực và ý nghĩa của nó khi thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo, nguồn nước sạch được phổ biến rộng rãi trong đời sống hằng ngày.
Việc bổ sung, hoàn thiện và đồng bộ các chính sách trong lĩnh vực tín dụng xanh sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng xanh hiệu quả hơn.
Bích Ngọc