Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Tư tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các tổ chức tài chính đủ điều kiện trong nước khoảng 50 điểm cơ bản từ ngày 5/2 – một nỗ lực nhằm dập tắt sự hoảng loạn trên thị trường và vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thống đốc PBoC Pan Gongsheng cho biết việc cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc dự kiến sẽ bơm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) thanh khoản vào thị trường.
“Chúng tôi sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để duy trì tính thanh khoản dồi dào vào năm 2024. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát rủi ro tài chính và nâng cao khả năng đánh giá và cảnh báo sớm”, Thống đốc nói.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đồng thời bổ sung thêm khả năng giá tiêu dùng sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn.'
Lần cuối cùng Trung Quốc sử dụng công cụ thanh khoản là vào tháng 9/2023, khi ngân hàng trung ương cắt giảm RRR 25 điểm cơ bản.
PBoC cho biết cũng sẽ cắt giảm lãi suất tái cho vay và tái chiết khấu đối với các khoản vay ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp nông nghiệp từ 25 điểm cơ bản xuống 1,75%. Quyết định sẽ có hiệu lực từ thứ Năm.
Các động thái chính sách được đưa ra sau khi Trung Quốc hôm thứ Hai tuyên bố sẽ “tăng cường sự ổn định vốn có của thị trường” trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đang có biến động.
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều rủi ro tài chính. Một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này phải đối mặt với vấn đề nợ nần nghiêm trọng khi Bắc Kinh cố gắng giảm đòn bẩy cho lĩnh vực bất động sản từng một thời phình to.