Ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 4/2023

PGBank (PGB) báo lỗ sau thuế 4,6 đồng trong quý 4/2023, do giảm lãi suất cho vay và tăng chi phí trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay,...
pgbank-1705678764.jpegPGBank (PGB) báo lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý 4/2023, đây là quý báo lỗ trở lại, sau 15 quý báo lãi liên tiếp của nhà băng này.
 

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank; UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, báo lỗ sau thuế hơn 4,6 tỷ đồng, ở cùng kỳ năm 2022 nhà băng này báo lãi 95 tỷ đồng.

Báo cáo cho thấy, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đem về cho PGBank khoản lãi hơn 856 tỷ đồng, tăng 9,3%. Thế nhưng, chi phí mà nhà băng này phải trả lãi tiền gửi khách hàng tăng hơn 13% lên 508 tỷ đồng.

Dù vậy, thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi vẫn đem về cho PGBank 347 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh doanh khác của PGBank lại đem về kết quả kinh doanh bết bát trong quý 4/2023 như: Hoạt động dịch vụ báo lỗ 10 tỷ đồng, cùng kỳ báo lãi 26 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng báo lỗ 4 tỷ đồng, cùng kỳ báo lãi 17 tỷ đồng; Mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ 3,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng; Hoạt động khác báo lãi 10 tỷ đồng, giảm 81,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Điểm sáng hiếm hỏi trong báo cáo là chi phí hoạt động của PGBank trong quý 4/2023 giảm nhẹ 1,93% so với cùng kỳ, xuống còn 254 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank trong quý 4/2023 đạt 86 tỷ đồng, giảm 49,71% so với cùng kỳ năm 2022.

Với việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng số tiền 91 tỷ đồng (tăng 75%) trong quý này, PGBank báo lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2023 ở mức âm 4,6 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ năm 2022 là 119 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình đính kèm, PGBank cho biết lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 là -4,6 tỷ đồng, giảm 99,5 tỷ đồng (tương đương 105%) so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu do: giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi, chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023.

Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

pgbank-1-1705678763.pngTổng nợ xấu của PGBank tăng 21,62% so với đầu năm, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.
 

Lũy kế năm tài chính 2023, PGBank báo lãi 283 tỷ đồng, giảm 29,78% so với cùng kỳ năm 2022 (403 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản PGBank tăng 13% so với đầu năm, lên mức 55.495 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 87% lên 1.601 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác tăng 27% lên 14.270 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 22% lên 35.335 tỷ đồng, …

Ngoài ra, tính đến cuối năm 2023, PGBank đang còn sở hữu hơn 949 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0%.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của PGBank là 905 tỷ đồng, tăng 21,62% so với đầu năm. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 189 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu năm; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 121,54% so với đầu năm, lên hơn 264 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) bất ngờ giảm 19,76% so với đầu năm, xuống 451,5 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của PGBank xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 19/1, giá cổ phiếu PGB ở mức 26.500 đồng/cổ phiếu, đứng giá so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 14 nghìn đơn vị.

Petrolimex không còn là cổ đông lớn tại PGBank

Vào cuối tháng 12/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank; mã chứng khoán: PGB).

Động thái này diễn ra, sau khi Petrolimex tiến hành thoái vốn tại PGBank và không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này.