Tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhưng giao dịch tiền mặt giảm mạnh

Giao dịch tiền mặt gần đây giảm mạnh. Lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế vào cuối tháng 8 giảm gần 63.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-dieu-chinh-cac-muc-lai-suat-dieu-hanh-20221024212725-1668749941.jpeg
 

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) đến cuối tháng 8 đạt hơn 14,801 triệu tỷ đồng, tăng 574.400 tỷ đồng (tương đương tăng 4,04% so với cuối năm 2022). Con số này chưa bao gồm các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua.

Lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế tới cuối tháng 8 đạt trên 1,289 triệu tỷ đồng, giảm gần 63.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022 (tương đương 4,7%) và giảm hơn 115.800 tỷ so với mức ghi nhận vào cùng kỳ 2022 (tương đương 8,2%).

Giao dịch tiền mặt giảm mạnh trong bối cảnh thanh toán điện tử liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Theo số liệu từ NHNN, trong 8 tháng đầu năm 2023, giao dịch qua Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD. Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị.

Sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây. 

Đến hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ.  Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý II/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ. 

Số liệu trên cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày. 

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt phải gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức xác thực điện tử eKYC đang lưu hành.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), dịch vụ thanh toán sẽ được tích hợp đầy đủ hơn vào hệ sinh thái số trong hoạt động mở và phát hành thẻ, trong đó có việc xác thực danh tính người dùng và xác thực giao dịch. Thông qua đó, toán trực tuyến và thanh toán qua thẻ sẽ trở nên an toàn hơn và thuận tiện hơn. 

Trước đây, người dùng sử dụng mã OTP xác thực giao dịch một lần, tuy nhiên có tình trạng tội phạm thuê, mua tài khoản để thực hiện mục đích lừa đảo. Với công nghệ hiện nay, thông qua sinh trắc học sẽ giúp hành vi lừa đảo không thể được thực hiện trên tài khoản thuê, mua.