Tiến độ giải ngân gói ưu đãi nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng ra sao?

Theo Bộ Xây dựng, sau 8 tháng triển khai gói ưu đãi nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 143,3 tỷ đồng (hơn 1%).

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 1%

Về gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng (hơn 1% trong gói tín dụng).

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 26,4 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 56,6 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương 14,3 tỷ đồng.

Được biết, để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Riêng trong năm 2023 các địa phương đã khởi công được 10 dự án với tổng số gần 19.853 căn, trong đó riêng nhà ở xã hội có 7 dự án với quy mô 8.815 căn.
 

giai-ngan-du-an-bds-1703603407.jpegTỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng quá thấp. Ảnh BTC.
 

Hồi tháng 4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Văn bản gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các NHTM tham gia chương trình.

Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

Liên quan đến việc chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, nguyên nhân là do nguồn cung hạn chế trong khi đó có tới hơn 55% dự án cho hay chưa có nhu cầu vay vốn.

Trong khi đó, theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại lẫn các chủ đầu tư, quy định đối tượng vay/mua nhà ở xã hội quá ngặt nghèo, khiến người vay vốn và ngân hàng đều gặp khó khăn.

Trước đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội ngày 6/11, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về tỷ lệ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình  gói 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội và cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ tiến tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đây là gọi tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ  hức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.

NHNN có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.

Thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.

Thống đốc NHNN cho biết giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên việc giải ngân theo thời gian NHNN kiến nghị mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.

Số lượng nhà ở xã hội mới đạt gần 5% kế hoạch

Đầu tháng 4 năm nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chính thức ký quyết định phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Trong đó, mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, các địa phương sẽ hoàn thành hơn 1,062 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

giai-ngan-du-an-bds-1-1703603407.jpeg Số lượng nhà ở xã hội làm mới chỉ đạt chưa 5% kế hoạch. Ảnh BXD.
 

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Dù vậy, theo đơn vị này, với chỉ đạo từ cơ quan quản lý và phối hợp của doanh nghiệp, tốc độ phát triển nhà ở xã hội đã khả quan hơn. Ngày càng có nhiều dự án được cấp phép xây dựng.

Cụ thể, năm 2021, cả nước chỉ có 3.046 căn nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng và 2.127 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên lần lượt là 6.196 căn hoàn thành xây dựng và 8.245 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đồng thời, số liệu từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy tín hiệu các địa phương đã bắt đầu "vào cuộc”. Năm 2021-2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô gần 6.000 căn hộ. Nhưng chỉ tính riêng quý III/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

VARS cho rằng tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội. Điều này sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.