Chiều 18/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024. Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã vượt khó, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/6/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thu nội địa đạt 54,9% dự toán, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô đạt 58,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ (giá thanh toán bình quân đạt khoảng 87,8 USD/thùng, tăng 17,8 USD/thùng so với giá dự toán, sản lượng 3,68 triệu tấn); thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 61,9% dự toán, tăng 8,1%.
Thu ngân sách nhà nước nói chung và thu nội địa nói riêng đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ tác động phục hồi tích cực của nền kinh tế. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (3 khu vực kinh tế) đạt 55,5% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất tiếp tục được cải thiện (mặc dù chỉ đạt 36,1% dự toán, song vẫn tăng 94,3% so cùng kỳ).
Bên cạnh đó, phát sinh một số khoản tăng thu đột biến như thu chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước đã nộp ngân sách 31,84 nghìn tỷ đồng, bằng 175% dự toán. Yếu tố nữa là, năm 2023, thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất làm giảm thu trong thời gian gia hạn khoảng 45,8 nghìn tỷ đồng song 6 tháng đầu năm 2024, chưa phát sinh số thuế được gia hạn.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách
Thống kê của ngành Thuế, khoảng trên 99% số doanh nghiệp đang hoạt động đã tiến hành các giao dịch nộp thuế điện tử.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, số lượng giao dịch nộp thuế điện tử tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Trong đó, tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế qua dịch vụ Thuế điện tử eTax (năm 2023 số tiền nộp là 866.468 tỷ đồng và 4.804.030 USD), cá nhân nộp qua dịch vụ Thuế điện tử eTax Mobile, trong đó số lượt giao dịch khoảng 920.110 giao dịch, tương ứng với số tiền là 2.645,9 tỷ đồng.
Năm 2023: Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,93% tổng thu ngân sách nhà nước qua KBNN. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,9% tổng chi ngân sách nhà nước qua KBNN.