Thống đốc: Nghiên cứu cơ chế cho phép Big 4 chủ động tăng vốn

Thống đốc cho biết NHNN đánh giá cao đề xuất rà soát nhu cầu vốn của các NHTM nhà nước và sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho các ngân hàng này chủ động tăng vốn điều lệ.

Tại phiên họp Quốc hội chiều 4/11, liên quan đến chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành với phương án Chính phủ trình bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank nhằm đảm bảo chỉ số an toàn và sức mạnh cho ngân hàng này.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến chính sách về tăng vốn đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước. Bởi hiện nay, hệ thống này đang có sự tụt hậu về cả về tỷ lệ vốn, chỉ số an toàn vốn (CAR) so với ngân hàng thương mại tư nhân.

Phát biểu tại cuộc họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đọan 2021-2025, các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điểu tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II.

Mục tiêu là đạt tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 10 - 11% vào năm 2023, 11 - 12% vào 2025 và đạt yêu cầu Basel III với CAR tối thiểu 13%.

Với vai trò là một trong những NHTM hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank hướng tới mục tiêu đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III, trong đó: CAR năm 2025 đạt 13% và năm 2026 đạt 13,5%.

 

Mức CAR mục tiêu 13,5% được xác định trên cơ sở đánh giá tỷ lệ 13% là mức tối thiểu để đáp ứng Basel III, tuy nhiên thực tế Vietcombank cần đảm bảo mức cao hơn 13% để hạn chế rủi ro CAR có thể thấp hơn 13% trong một số thời điểm.

Ngoài ra, Vietcombank là ngân hầng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng Việt. Theo yêu cầu của Ủy ban Basel, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống cần duy trì CAR cao hơn mức 13%. Trong khi đó, các ngân hàng khu vực đã áp dụng Basel III và duy trì CAR từ 16-20%.

Thống đốc cho hay NHNN đánh giá cao đề xuất rà soát nhu cầu vốn của các NHTM nhà nước và sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá tổng thể và nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho các ngân hàng này chủ động tăng vốn điều lệ.

"NHNN cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi các luật, nghị định liên quan, giúp các NHTM nhà nước linh hoạt hơn trong việc tăng vốn, mở rộng quy mô và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thị trường. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng này thực hiện các giải pháp tăng vốn bền vững như phát hành cổ phiếu riêng lẻ", bà Hồng cho biết thêm.

Trước đó, trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng cho nhà băng này.

Trước đó, trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng cho nhà băng này.

Theo tờ trình, để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm 31/12/2026 là 300.801 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tài sản có rủi ro dự kiến 2.228.158 tỷ đồng). Vốn tự có của Vietcombank tại 31/12/2026 dự kiến là 182.635 tỷ đồng tăng 10.297 tỷ đồng so với 31/12/2023.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ở mức 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7% và thực hiện 75% kế hoạch cả năm (hơn 42.000 tỷ đồng).

Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 5% đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%. Số dư tiền gửi của ngân hàng nhích tăng 2,5%, lên 1,43 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank đang là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng).