Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, trị giá hơn 110.000 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước.
Trong đó, phát hành nhiều nhất là nhóm các tổ chức tín dụng(chiếm 64%), tiếp theo là nhóm bất động sản (chiếm 26%). Những ngành còn lại đều chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 5%.
Khối lượng trái phiếu phát hành mới này chủ yếu được hấp thụ từ các nhóm nhà đầu tư tổ chức như các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân chiếm rất ít (chỉ khoảng 5%).
Đánh giá về việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu, báo cáo của FiinRatings cho rằng, tổ chức tín dụng đang tận dụng môi trường lãi suất thấp, tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.
Theo Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA)A, trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỷ đồng, tương đương 42%.
Tính riêng trong tháng 6/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 13.336 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những con số tích cực trên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay lại với thị trường trái phiếu. Với giá trị phát hành hiện tại khả năng thị trường tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024 là rất lớn.
“Trước sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 giúp tăng trưởng tín dụng hoàn thành mục tiêu 14-15% cả năm”, báo cáo của FiinRatings thể hiện.