Thế giới Sofa (thegioisofa): Mù mờ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm có đảm bảo?

Nhiều sản phẩm ghế sofa tại hệ thống cửa hàng Thế giới Sofa (thegioisofa) không niêm yết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa khiến người dùng hoài nghi về chất lượng sản phẩm.

Hiểm hoạ từ sản phẩm sofa kém chất lượng

Hiện nay, có rất nhiều loại ghế sofa từ giá rẻ đến cao cấp được bày bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam (gồm cả sofa sản xuất trong nước, sofa nhập khẩu)... Tuy nhiên, không phải tất cả đều có nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí, hiện nay thị trường còn đang xuất hiện các mẫu ghế sofa có giá rẻ gấp 3 -4 lần so với các sản phẩm sofa có chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế trước mặt nhưng những mẫu ghế sofa lại dần dần gây hại đến sức khỏe của người dùng, thậm chí có nguy cơ gây ra nhiều căn bệnh.

Theo các nhà khoa học Mỹ, hóa chất chống cháy trong nhiều đồ đạc nội thất, trong đó có ghế sofa có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp nếu tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài. Vải bọc sofa kém chất lượng gây kích ứng da thậm chí ung thư da, vải bọc ghế sofa không được xử lý sạch sẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài người sử dụng. Hóa chất chống cháy trong nhiều đồ nội thất như ghế sofa, gối, thảm, đệm, đồ điện tử, vật liệu xây dựng... thực chất chỉ làm chậm quá trình bắt lửa và không tác dụng dập lửa. Trong quá trình sử dụng, các hóa chất độc hại này được thải ra ngoài không khí và gây tác hại khôn lường cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.

 Trụ sở Công ty Cổ phần Thế giới Sofa (379 đường Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội).

Theo một minh chứng cho rằng, các nhà khoa học tại Đại học Duke, Bắc Carolina (Mỹ) đã lấy mẫu máu của bệnh nhân ung thư tuyến giáp và thực hiện xét nghiệm chất lượng không khí tại nhà. Kết quả là máu của tất cả bệnh nhân đều xuất hiện nồng độ cao hóa chất chống cháy thuộc nhóm Polybromodiphenyl ether (PBDE) và Tris (2-chloroethyl) phosphate (TCEP).

Hai hóa chất chống cháy này có liên quan đến ung thư và nhiều tình trạng y tế khác, chẳng hạn như tàn tật và vô sinh. Chúng có thể phá vỡ hệ thống nội tiết của cơ thể, chuyển hóa các hormone. Những hóa chất này được thải vào không khí dưới dạng bụi và xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường hô hấp và thức ăn. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nhạy cảm nhất với các tác động tiêu cực.

Do đó, để tránh những căn bệnh đáng sợ này, cách tốt nhất không vì ham rẻ mà mua phải các mặt hàng sofa kém chất lượng. Cần chọn những đơn vị cung cấp uy tín, đối với các mẫu sofa nhập khẩu, cần xác định nguồn gốc rõ ràng, đạt chứng chỉ sản xuất của nước đó.

Thế giới Sofa (thegioisofa) bán hàng không rõ nguồn gốc?

Theo ghi nhận của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), tại hệ thống cửa hàng Thế giới Sofa (thegioisofa) thuộc Công ty Cổ phần Thế giới Sofa (địa chỉ tại số 379 đường Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) hiện đang bày bán rất nhiều loại sofa (sofa giường, sofa góc, sofa văng, sofa đơn...) và các loại bàn trà, thảm trải sàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng, sản phẩm sofa đang bán tại hệ thống Thế giới Sofa có nhiều điểm đáng ngờ về nguồn gốc xuất xứ. Được biết, Công ty Cổ phần Thế giới Sofa do ông Trương Ngọc Chinh làm đại diện pháp luật, ông Đinh Tuấn Anh là Giám đốc kiêm người đồng sáng lập chuỗi.

Để có thông tin khách quan, trong vai người tiêu dùng, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã tới địa chỉ trụ sở Công ty Cổ phần Thế giới Sofa tại 379 đường Giải Phóng để hỏi mua ghế sofa. Tại đây, phóng viên được nhân viên cửa hàng đón tiếp và tư vấn về các loại ghế sofa. Theo giới thiệu của nhân viên cửa hàng, Thế giới Sofa hiện đang kinh doanh hai dòng sản phẩm sofa chính là sofa nhập khẩu và sofa sản xuất trong nước. Đối với các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ một số nước như Italia, Nhật Bản, Malaysia. Còn đối với sản phẩm trong nước, hiện công ty đang có Nhà máy Sofaland (Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội).

Sản phẩm ghế sofa được bán tại cửa hàng.

 Trên nhãn mác các sản phẩm sofa tại Thế giới Sofa không ghi thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Mặc dù phân rõ hai dòng sản phẩm, tuy nhiên, tại hệ thống Thế giới Sofa trên nhãn mác sản phẩm sofa trưng bày đều không ghi thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Trong khi đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Điều này khiến người dùng không biết những sản phẩm sofa có nguồn gốc tại đâu, được nước nào sản xuất, có đảm bảo chất lượng hay không? Liệu các sản phẩm trên có phải hàng trôi nổi? Vì sao hệ thống lại không niêm yết thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trên nhãn mác gắn kèm sofa?

Khi phóng viên nhờ tư vấn một mẫu sofa nhập khẩu từ Italia, nhân viên tại hệ thống liên tục đưa ra các thông tin quảng cáo hết sức mỹ miều về chất lượng. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập muốn xem giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của ghế sofa tại đây thì nhân viên tư vấn lại nói "giấy tờ không có ở đây" và trấn an phóng viên rằng "anh cứ yên tâm sản phẩm có bảo hành mà".

Nhân viên tư vấn nói rằng sản phẩm tại Thế giới Sofa có chất lượng đã được chứng nhận, tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn được xem giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm sofa thì nhân viên lại nói không có. Vậy vì sao Thế giới Sofa lại từ chối cho khách hàng xem thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm? Giả sử khi mua phải sản phẩm không đúng chất lượng, nguồn gốc như quảng cáo, phía Thế giới Sofa có đền bù thiệt hại cho khách hàng?

Khó xác định nguồn gốc, chất lượng da trên sản phẩm sofa

Tiếp tục nhờ tư vấn về sản phẩm ghế sofa do Công ty Cổ phần Thế giới Sofa sản xuất trong nước, phóng viên cũng được nhân viên giới thiệu nhiệt tình về nhiều dòng sản phẩm. Theo lời nhân viên tư vấn, mặc dù sofa trong nước sản xuất nhưng da nhập từ nước ngoài và sản xuất theo công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, làm sao để chứng minh được sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ châu Âu thì nhân viên tư vấn chỉ biết cười trừ.

Phóng viên đặt giả thiết: "Nếu bây giờ anh muốn mua một sản phẩm sofa do bên công ty tự sản xuất thì làm sao để biết chắc chắn rằng loại da dùng cho ghế sofa của anh là da được nhập khẩu. Có giấy tờ gì để anh biết là sản phẩm da dùng cho ghế sofa của anh là hàng nhập thật không?". Đối với câu hỏi này, nhân viên tư vấn cho biết "như thế hơi khó anh ạ, bởi sản phẩm da nhập giấy tờ chứng minh nguồn gốc thường đi theo cả lô". Có thể thấy, việc xác định nguồn gốc da trên sản phẩm sofa (sản xuất trong nước) mà Thế giới Sofa cung cấp cho khách hàng là rất khó. Người mua chỉ có thể mua sản phẩm bằng "niềm tin" chứ không có giấy tờ chứng minh nào.

 Đối với các sản phẩm sofa sản xuất trong nước, người dùng cũng khó xác định nguồn gốc, xuất xứ của da.

Đối với những phản ánh về việc sản phẩm của chuỗi Thế giới Sofa không rõ nguồn gốc, đề nghị Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bán hàng không rõ nguồn gốc bị xử phạt thế nào?

Bán hàng không rõ nguồn gốc là hành vi trái pháp luật. Những hành vi này không những ảnh hưởng đến uy tín người bán; mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, hiện nay, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi này. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

Xử lý vi phạm hành chính

Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“4. Mức phạt tiền dành cho hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định; của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định như:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng; với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;…

h) Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng; áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Từ những quy định trên có thể thấy cá nhân khi có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng; phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm.

Bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua biên giới trái với quy định của pháp luật; nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm; người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu; theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cụ thể: Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam; ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng; đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này; hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này; hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;…

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Theo VietQ