Thanh tra Chính phủ vừa thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm của NHNN giai đoạn 2013-2017 khi thẩm định, phê duyệt tái cơ cấu các nhà băng.
Đánh giá chưa đúng về nợ xấu
Về xử lý nợ xấu của các TCTD, Thanh tra Chính phủ cho rằng, cơ quan quản lý chưa đánh giá đúng thực trạng nợ xấu.
Nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm 30/9/2012 ước tính lên đến hơn 17,2%. Tỷ lệ nợ xấu là 4,46% tại thời điểm 30/6/2013.Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án 254 và Đề án 843, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý, đưa nợ xấu nội bảng đến 31/12/2015 giảm còn 2,55% và đến 31/12/2017 giảm còn 1,99%.
Nợ xấu được kéo về dưới 3% nhờ bán được cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), khoảng 43% tổng số nợ xấu được xử lý giai đoạn này. Nếu tính cả số nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ năm 2015 và 2017 lần lượt là 6,3% và 4,5%.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được kết quả, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (chưa phải chuyển thành nợ xấu) thì tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao; một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tình trạng lại dự thu dồn tích lớn chưa được xử lý, phản ánh không đúng thực trạng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng bị phản ánh sai lệnh, không chính xác...
Về trách nhiệm của VAMC, kết luận thanh tra cho biết, giai đoạn 2013-2017, hoạt động của doanh nghiệp là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt có thời hạn theo phê duyệt của NHNN. Đây là giải pháp tình thế để giãn thời gian cho các tổ chức tín dụng từng bước xử lý các khoản nợ xấu, làm giảm nợ trên sổ sách, trong khi thực tế số nợ không thay đổi.
Tuy nhiên, sau khi mua nợ, VAMC vẫn ủy quyền xử lý khoản nợ cho các ngân hàng, nên về bản chất, tổ chức tín dụng vẫn phải thực hiện toàn bộ trách nhiệm thu nợ, xử lý khoản nợ. Đến cuối 2017, VAMC đã mua tổng nợ gốc nội bảng 309.711 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 279.255 tỷ đồng.
VAMC mua bán nợ chưa minh bạch
Theo Thanh tra Chính phủ, kế hoạch mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tại VAMC chưa đảm bảo minh bạch, khách quan, thiếu tài liệu pháp lý để chứng minh.
Một số hồ sơ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tại VAMC có vi phạm, như tài sản bảo đảm khoản nợ xấu khi bán nợ cho doanh nghiệp này chưa đáp ứng điều kiện "tài sản hợp pháp, có hồ sơ, pháp lý hợp lệ". Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại thời điểm bán cho VAMC chưa được định giá bởi tổ chức thẩm định độc lập; không đáp ứng điều kiện theo quy định, ảnh hưởng tới mệnh giá trái phiếu đặc biệt sử dụng để vay tái cấp vốn.
Theo cơ quan thanh tra, 34 hồ sơ mua nợ xấu của 13 ngân hàng tại thời điểm bán nợ cho VAMC có vi phạm, trong đó 59% hồ sơ có tài sản bảo đảm không còn đầy đủ tính hợp pháp, còn lại tài sản đảm bảo chưa được định giá hoặc việc định giá hết hiệu lực. Việc này ảnh hưởng tới xác định giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm khi trích lập dự phòng rủi ro, phản ánh không đúng giá mua khoản nợ và mệnh giá trái phiếu đặc biệt dùng để vay tái cấp vốn.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, nguyên nhân của những khuyết điểm, bất cập trên là do lãnh đạo NHNN, một số đơn vị chức năng của cơ quan này, VAMC thực hiện chưa nghiêm túc nhiệm vụ trong tham mưu, xây dựng cơ chế, thẩm định, phê duyệt và giám sát việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, một số ngân hàng không thực hiện nghiêm quy định, chỉ đạo của NHNN về thực hiện phương án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Số nhà băng này cũng không phản ánh đúng thực trạng, đưa ra giải pháp cơ cấu lại chưa phù hợp, dẫn tới phải chỉnh sửa phương án nhiều lần và chậm được phê duyệt. Số khác vi phạm quy định về cấp tín dụng, hạch toán lãi dự thu trong quá trình tái cơ cấu.
Với các kết luận trên, cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN khắc phục những tồn tại; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu giai đoạn 2012-2015, cá nhân, tập thể, đơn vị liên quan về những khuyết điểm trong thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.