Hạt quản lý đê điều các huyện, thành phố đã phát hiện kịp thời, lập biên bản đình chỉ, biên bản vi phạm hành chính, báo cáo kiến nghị với chính quyền địa phương xử lý. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản đôn đốc và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý vi phạm. Tuy nhiên ở một số địa phương, số vụ vi phạm xử lý được còn ít hoặc không xử lý dứt điểm nên số vụ vi tồn đọng từ những năm trước còn nhiều (huyện Hưng Hà, huyện Tiền Hải, huyện Vũ Thư).
Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn công trình đê điều, phục vụ công tác phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Thực hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý nhà nước về đê điều theo quy định tại Điều 43 Luật Đê điều.
Tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm cũ còn tồn đọng trên các tuyến đê thuộc địa bàn; thực hiện theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 07/4/2023 về việc tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông,bãi triều ven biển; Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Văn bản số 642/UBND-NNTNMT ngày 09/3/2023 về tăng cường công tác quản lý đê điều trước mùa lũ, bão năm 2023 và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”.
Kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m, các trạm trộn bê tông xây dựng trái phép ngoài bãi sông, các bến bãi không nằm trong quy hoạch; yêu cầu rà soát, di dời toàn bộ các bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn thành phố Thái Bình (2 bên bờ sông Trà Lý); các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện quản lý không được tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất tải theo quy định.
Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh: Kiên quyết xử lý dứt điểm ngay các vụ vi phạm mới phát sinh; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền sau khi nhận được biên bản vi phạm hành chính của cơ quan chuyên môn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Đối với các vụ vi phạm tồn đọng: Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông; chỉ đạo Ủy ban nhân dân và lực lượng Công an cấp xã phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều vận động từng chủ vi phạm tự giác giải tỏa, tháo dỡ; trường hợp không chấp hành, yêu cầu củng cố, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức cưỡng chế theo quy định. Điển hình như một số vi phạm cũ còn tồn đọng tại các địa phương:
Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư: Tập trung xử lý các vi phạm về xây dựng, lắp đặt công trình trạm trộn, công trình ngoài bãi sông. Rà soát, xử lý các bến bãi hoạt động không phép, không có trong quy hoạch theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 3087/UBND-NNTNMT ngày 06/9/2023 về việc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh (bến bãi không phép trên địa bàn xã Tân Phong đối với hộ gia đình ông Trần Đình Ba).
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài phân tích về hiện trạng những tồn tại bất cập của hoạt động kinh doanh bến VLXD chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện của hộ gia đình ông Trần Đình Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tính Thái Bình) và việc xử lý còn nhiều lúng túng của các cấp chính quyền địa phương nơi đây.
Từ những năm 2021, UBND tỉnh Thái Bình, Sở TN&MT tỉnh thái Bình, Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Thái Bình cũng đã phát đi nhiều công văn yêu cầu UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong phải xử lý dứt điểm vụ việc này. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.
“Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.
Cũng liên quan đến câu chuyện về thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia về Kinh tế Môi trường đánh giá cao việc luật đã đưa thêm các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, trong đó có việc sử dụng đất không đúng mục đích.
Cụ thể, Theo Điều 81 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích; Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.