Sông Đà 1.01 bất ngờ xuất hiện nhóm cổ đông mới

Cùng thời điểm hàng loạt cổ đông cũ thoái vốn là sự xuất hiện của hai cổ đông lớn cá nhân mới với tỷ lệ nắm giữ lên tới 48% cổ phần cho thấy, khả năng “đổi chủ” của Sông Đà 1.01 là rất cao.

Ngay trong bối cảnh có nhiều biến động về cơ cấu sở hữu, cổ phiếu SJC của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 cũng có nhiều thay đổi với nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Tính đến ngày 22/12, cổ phiếu SJC đang giao dịch tại mức giá 13.600 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 870% so với hồi đầu tháng 7 (1.400 đồng/cp). Thanh khoản trung bình đạt hơn 120.000 đơn vị/phiên, trong khi trước đó chỉ dao động trong khoảng dưới 50.000 đơn vị mỗi phiên.

Cổ đông lớn đưa sở hữu về 0

Bên cạnh mức tăng giá rất mạnh trong điều kiện thị trường chứng khoán chao đảo, hàng loạt cổ đông lớn Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 còn gây bất ngờ khi liên tiếp bán ra cổ phiếu SJC, cùng lúc nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng nộp đơn từ nhiệm.

Đầu tiên phải kể đến động thái bán ra toàn bộ 370.000 cổ phiếu SJC, và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,31% vốn về 0%. của bà Thái Thị Thu Nga, em dâu ông Tạ Văn Trung, Ủy viên HĐQT, Giám đốc Sông Đà 1.01 vào ngày 28/10 vừa qua.

Dự án Hanoi Landmark 51 do Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư

Cũng trong ngày 28/10, con trai ông Tạ Văn Trung là ông Tạ Trung Hậu cũng bán ra 543.193 cổ phiếu SJC, tương đương 7,83%. Cổ đông lớn Phạm Thị Loan cũng bán ra toàn bộ 726.990 cổ phiếu SJC, tương ứng tỷ lệ 10,48% cổ phần Sông Đà 1.01.  Sau giao dịch, những cá nhân này đều không còn nắm giữ cổ phiếu SJC.

Đồng thời, các cá nhân Phạm Hồng Nhung, Phạm Thu Huyền cũng không còn là cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 kể từ ngày 28/10. Như vậy, chỉ riêng trong ngày 28/10, công ty đã “chia tay” tới 5 cổ đông lớn.

Mới đây, ông Tạ Văn Bốn, em ruột ông Trung cũng đăng ký bán ra toàn bộ 108.229 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 1,56%), thời gian giao dịch từ ngày 15/11 đến ngày 9/12. Đáng chú ý, lượng cổ phiếu này đã được ông Bốn đăng ký giao dịch cùng thời gian với các cổ đông kể trên nhưng chưa thể thực hiện do không kịp hoàn tất lưu ký.

Bên cạnh sự rút lui của nhiều cổ đông lớn cùng lúc, cổ phiếu SJC liên tục tăng trần, dù lượng giao dịch mỗi phiên không nhiều.

Cùng với động thái bán ra cổ phiếu hàng loạt của cổ đông lớn, thời gian vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sông Đà 1.01 cũng đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Phạm Thanh Phong, thành viên HĐQT; ông Lê Trung Hiếu, trưởng ban kiểm soát; ông Trần Thọ Phong, Phó giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh 5 với lý do sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân không phù hợp với công việc.

Về phía ông Tạ Văn Trung, Giám đốc Sông Đà 1.01, là một kỹ sư xây dựng, từng có nhiều năm làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Sông Đà 1.01 (từ năm 2008 đến năm 2020) trước khi chuyển giao cho ông Phạm Thanh Phong từ ngày 15/9/2020. Ông Trung hiện không nắm giữ cổ phiếu nào tại doanh nghiệp này.

Nhóm cổ đông mới đã “gom” 48% cổ phần

Động thái thoái vốn hoàn toàn của những cổ đông cũ, cũng như dàn lãnh đạo dần dần từ nhiệm đồng nghĩa với việc Sông Đà 1.01 đang trong quá trình “thay máu” cả về sở hữu lẫn quản trị doanh nghiệp.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi ngày 30/11 vừa qua, Sông Đà 1.01 đã có thông báo về việc triệu tập đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 31/12. Với nội dung thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ngay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường diễn ra, gần như tất cả cổ đông lớn của công ty đã đưa tỷ lệ sở hữu của mình về 0%. Vì vậy, người tham dự cuộc họp này vẫn còn là một ẩn số.

Nhìn vào lịch sử giao dịch của cổ phiếu SJC cho thấy, ngay trong ngày 28/10, cá nhân Phạm Khánh Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sông Đà 1.01 khi mua vào thành công gần 3.156 triệu cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu 45,51%. Trước đó, ông Phương không sở hữu một cổ phiếu nào của Sông Đà 1.01 và không có người liên quan tại doanh nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01, ngày 18/11, ông Phương tiếp tục mua vào 66.800 cổ phiếu SJC bằng hình thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,65%.

Tuy nhiên, ngày 25/11, ông Phương đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%. Đến ngày 9/12, tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,26%.

Có một điểm đáng chú ý là cùng ngày 25/11, Sông Đà 1.01 cũng công bố có thêm cổ đông lớn mới là bà Vũ Thị Thúy đã mua vào đúng lượng cổ phiếu mà ông Phương bán ra, tương đương tỷ lệ sở hữu là 23,53%. Trước khi trở thành cổ đông lớn, bà Thúy cũng không sở hữu cổ phiếu SJC nào.

Tạm tính theo mức giá thị trường của cổ phiếu SJC, bà Thúy và ông Phương phải chi ra khoảng gần 53 tỷ đồng cho 48% vốn của Sông Đà 1.01.

Hiện, Sông Đà 1.01 vẫn chưa công bố danh sách ứng cử viên của HĐQT, Ban Kiểm soát mới. Tuy nhiên, theo quy định, cổ đông, hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác theo quy định tại điều lệ công ty có quyền đề cử ứng viên vào HĐQT, Ban Kiểm soát.

Như vậy, với lượng cổ phần nắm giữ lên tới gần 1 nửa vốn của Sông Đà 1.01, ông Phương và bà Thúy hoàn toàn có thể nắm giữ những vị trí quan trọng tại công ty này.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, các thương vụ M&A sẽ diễn ra sôi động hơn. Đây là cơ hội để nhiều dự án đang ngủ đông sẽ được “hồi sinh”.

Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 được thành lập trên cơ sở Xí nghiệp Sông Đà 1.01 (tiền thân là Đội xây dựng số 1) thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.

Từ năm 2013, Sông Đà 1.01 chuyển hẳn sang đầu tư vào mảng bất động sản sau khi thử sức với 2 dự án nhỏ là chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê. Sau đó, doanh nghiệp “lấn sân” sang phân khúc cao cấp bằng Tòa cao ốc Tokyo Tower.

Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star” (Tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo Đầu tư tài chính