Ngày 16/12/2022, ông Nguyễn Hồ Nam báo cáo kết quả giao dịch, theo đó đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu BCG như thông báo đăng ký giao dịch vào ngày 16/11/2022, sau sự cố ngoài ý muốn bị bán giải chấp 4,6 triệu cổ phiếu BCG xảy ra cùng ngày.
Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 2/12 đến ngày 14/12. Cổ phiếu BCG trong thời gian này giao dịch quanh vùng giá 7.000 – 8.000 đồng/cp, cao hơn so với vùng giá 4.540 – 5.200 đồng/cp tại thời điểm ông Nguyễn Hồ Nam bị bán giải chấp.
Mặc dù thị trường vẫn có nhiều khó khăn và mua vào trong thời điểm giá cổ phiếu cao hơn so với thời điểm bị bán, nhưng ông Nguyễn Hồ Nam vẫn thực hiện đúng cam kết với các cổ đông và giữ vững tỷ lệ sở hữu của mình tại BCG.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu BCG mà ông Nguyễn Hồ Nam đang nắm giữ là 83.371.894 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15,63% vốn điều lệ.
Chốt phiên ngày 15/12 hôm qua, cổ phiếu BCG dừng ở mức giá 7.430 đồng/cp, tương ứng với mức hồi phục 63% từ vùng thấp nhất là 4.540 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn khá nhiều so với đỉnh hồi tháng 3 năm nay.
Lãnh đạo Bamboo Capital từng chia sẻ, giá cổ phiếu hiện nay là do xu thế chung trên thị trường, không phản ánh đúng giá trị và tiềm năng của doanh nghiệp. Dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này nhưng các hoạt động của tập đoàn vẫn đang được triển khai bình thường.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Bamboo Capital đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với các biến động của thị trường nhằm tối ưu hóa giá trị mang lại cho công ty, cổ đông và nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022, BCG đạt hơn 3.310 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, BCG lãi sau thuế 885 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng năng lượng tái tạo của BCG ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, sản lượng điện bán cho EVN trong quý III và quý IV/2022 tăng 13% so với cùng kỳ. Các dự án điện mặt trời và điện gió ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ của BCG đang “sáng cửa” khi dự thảo quy hoạch điện VIII mới nhất tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió với tỉ trọng lớn trong giai đoạn năm 2022-2050.
Những doanh nghiệp sở hữu danh mục điện gió lớn chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế khi quy hoạch điện VIII và giá FiT được phê duyệt. Ngày 14/12, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ở Brussels, các lãnh đạo của Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế bao gồm Anh, EU, Mỹ đã đạt thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp Việt Nam nhận được 15,5 tỷ USD cho gói tài chính khí hậu để giảm phụ thuộc vào than đá.
Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược của các nguồn năng lượng tái tạo trong kế hoạch năng lượng quốc gia của nước nhà, đồng thời mở ra cơ hội phát triển to lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là những doanh nghiệp có năng lực xây dựng, triển khai và vận hành dự án như BCG.
Theo Đầu tư tài chính