So găng 'núi' tiền mặt của đại gia bán lẻ

Trong thời điểm kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ với số tiền gửi lên tới hàng nghìn tỷ đã mang về hàng trăm tỷ tiền lãi, đóng góp phần lớn vào lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2023, tiền mặt không còn là “rác”. Đây là nhận định của 404 nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhỏ lẻ tham gia cuộc khảo sát của MLIV Pulse hồi đầu năm 2023. 2/3 trong số người được hỏi nói rằng sẽ tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư thay vì giảm tỷ trọng.

Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley - Michael Wilson, cho biết rằng S&P 500 có thể giảm khoảng 20% do lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống.

Trong bối cảnh đó, tiền mặt dường như là một “hầm trú ẩn” an toàn, đặc biệt là khi lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn gần đây rất hấp dẫn, khiến danh mục 60/40 cổ phiếu và trái phiếu có thành tích kém vượt trội lần đầu tiên kể từ năm 2001. Ngay cả các khoản tiết kiệm có lãi suất cao cũng mang về cho người gửi mức lãi 4%.

Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên 2023, trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà các doanh nghiệp này nắm giữ được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong bối cảnh việc kinh doanh của đa số ngành nghề còn khó khăn. 

Là một trong số ngành nghề có mức đầu tư cao, lượng tiền mặt đến trực tiếp từ giao dịch với khách hàng, ngành bán lẻ và tiêu dùng cho thấy lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn trong cơ cấu tài sản. 

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của CTCP Thế giới Di động (mã: MWG) đạt gần 60.000 tỷ, tăng nhẹ 3,5% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của ghi nhận gần 24.471 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm, chiếm gần 41% tổng tài sản và cao nhất trong lịch sử hoạt động; bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền 3.091 tỷ, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 21.380 tỷ.

 Ngoài khoản đầu tư tài chính dài hạn là gửi ngân hàng kỳ hạn trên 1 năm 50 tỷ đồng, đơn vị này rót 181 tỷ đồng vào công ty liên doanh là PT Era Blue Elektronik (MWG nắm giữ 45% vốn). Hoạt động chính của công ty này là bán lẻ thiết bị di động, điện máy, đồ dùng gia đình và các thiết bị, máy móc khác tại Indonesia. Ngoài ra, Thế giới di động không còn khoản đầu tư nào khác. 

Khoản tiền gửi đã mang về cho MWG gần 810 tỷ tiền lãi trong nửa đầu năm, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu này đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh giúp doanh nghiệp bán lẻ này thoát lỗ trong bối cảnh phải “cuộc chiến giá rẻ” gay gắt từ quý II.

Bên cạnh sự tăng mạnh của tiền mặt và tiền gửi, nợ vay tài chính của MWG cũng đã tăng hơn 5.600 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 22.200 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay ngắn hạn từ dưới 10.700 tỷ đầu năm lên trên 16.300 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong khi đó, nợ dài hạn biến động không đáng kể quanh mức 5.900 tỷ đồng.

So với cùng thời điểm năm ngoái, tổng nợ vay tài chính của MWG là tương đương. Tuy nhiên, cơ cấu đã thay đổi với sự xuất hiện của khoản nợ dài hạn trong khi thời điểm giữa năm ngoái chưa phát sinh. Điều này phần nào lý giải cho việc chi phí lãi vay trong nửa đầu năm nay đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh yếu tố lãi suất.

Cùng kinh doanh các thiết bị công nghệ, CTCP FPT (mã: FPT) cũng ghi nhận một lượng lớn tiền mặt và tiền gửi trong cơ cấu tài sản. Đến cuối quý II, FPT có tổng tài sản đạt 60.557 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ so với đầu nămTrong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền 6.236 tỷ; tiền gửi các kỳ hạn 20.469 tỷ đồng. Theo thuyết minh, công ty đã ghi nhận thêm 7.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn so với mức 13.035 tỷ hồi đầu năm.

Khoản tiền gửi đã mang về cho FPT 753 tỷ tiền lãi trong nửa đầu năm 2023, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Đến hết quý II, FPT có tổng nợ gần 32.000 tỷ, tăng 21% từ đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 19.544 tỷ, tăng 58% so với đầu năm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí lãi vay trong nửa đầu năm tăng lên 360 tỷ đồng (tăng 37 tỷ). 

Tại CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN), kết thúc quý II, MSN ghi nhận tổng tài sản 140.858 tỷ, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý trong đó là tổng lượng tiền, tương đương tiền cùng tiền gửi các kỳ hạn lên tới hơn 10.809 tỷ. 

Khoản tiền gửi, cho vay và đầu tư đã mang về cho MSN 818 tỷ đồng lãi trong 6 tháng đầu năm, cao gấp đôi so với cùng kỳ 2022. 

Khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) với tổng giá trị 21.464 tỷ. Nửa đầu năm, Vinamilk thu về 708 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Đây cũng là khoản mục đóng góp lớn vào lợi nhuận của công ty này.

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành sản xuất và kinh doanh trang sức, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng nắm giữ hàng nghìn tỷ tiền mặt và tiền gửi. Cụ thể, tính đến 31/6/2023, PNJ có tổng tài sản 13.493 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó lượng tiền mặt và tương đương tiền gần 500 tỷ, tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn 1.000 tỷ đồng. 2 khoản mục này tăng 420 tỷ so với đầu năm.  Luỹ kế 6 tháng, khoản tiền gửi đã mang về cho PNJ 38 tỷ tiền lãi. 

tien-mat-doanh-nghiep-ban-le-1690902107.png