Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kết quả làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp của Sở Công Thương, ngày 19/6/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo cụ thể.
Theo đó, giao Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về điện; đôn đốc việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung của các cụm công nghiệp theo thẩm quyền.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên căn cứ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu thực hiện các chính sách giảm lãi suất vay vốn và hỗ trợ làm thủ tục, hồ sơ vay vốn để doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh.
Giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG hoàn thiện hồ sơ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hành lang giao thông của Nhà máy may tại Cụm công nghiệp Kha Sơn, huyện Phú Bình theo quy định.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hướng dẫn Công ty TNHH MTV Vạn Xuân (Cụm công nghiệp Nguyên Gon, thành phố Sông Công) thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Công an tỉnh khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục về phòng cháy chữa cháy trong sản xuất kinh doanh.
Trước đó, từ ngày 6/6 đến 9/6/2023, Sở Công Thương Thái Nguyên đã thành lập đoàn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh trọng cụm công nghiệp, qua đó ghi nhận nhiều khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, luyện kim: Do kinh tế thế giới suy giảm, sản phẩn hàng hóa sản xuất ra không bán được, tồn kho nhiều, có những mặt hàng sản xuất ra không có lãi, thậm chí còn lỗ; nhiên liệu đầu vào và giá bán thành phẩm biến động thất thường; đơn hàng sụt giảm, thiếu việc làm, công nhân thay nhau nghỉ chờ việc, chi phí sản xuất cao đặc biệt là chi phí vật tư, nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu tăng cao như: Thép chế tạo, que hàn, dao cụ...; lãi suất ngân hàng còn cao; chi phí tiền lương tăng lên theo mức bình quân của khu vực nhưng giá bán hàng ra không được tăng do cạnh tranh với các nhà sản xuất cùng sản phẩm; chi phí xăng dầu, tiền điện, tiền thuê đất, chi phí bảo hiểm cho người lao động tăng.
Công tác thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp; một số cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng nên chưa có đường giao thông nội bộ và đường nước sạch phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Thời gian gần đây phải thực hiện tiết giảm công suất điện nên ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp chế biến gỗ (gỗ ép): Việc xác định nguồn nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu gỗ) gặp nhiều khó khăn; sản phẩn sản xuất ra giá bán thấp ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi phí nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt có giá cao (tại cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc do Công ty Nước sạch Sông Công cung cấp với giá 19.500 đồng/m3, chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thu nguyên giá, không tính chi phí tổn thất).
Đối với doanh nghiệp có kho hàng hóa, vận tải, kinh doanh than: Giấy phép vận chuyển hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia vẫn chưa được cấp (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đang thẩm định hồ sơ để xem xét, cấp giấy phép) nên doanh nghiệp chưa hoạt động sản xuất kinh doanh được.
Do Cụm công nghiệp Cao Ngạn 1 chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có quy hoạch chi tiết tổng thể, chưa có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải nên doanh nghiệp gặp khó khăn cho trình phê duyệt thay đổi giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Đối với doanh nghiệp may mặc, may công nghiệp: Khách hàng giảm đơn hàng, tồn kho tăng cao, bên cạnh đó chi phí nhân công tăng, chi phí sản xuất tăng, lãi vay ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ đó giảm sút tính cạnh tranh của doanh nghiệp khiến đơn hàng đang có xu hướng dịch chuyển về các nước có ưu đãi thuế, giá nhân công rẻ như: Indonesia, Bangladesh... khiến doanh nghiệp đứng trước thách thức lớn khi phải giảm giá, chấp nhận nhiều rủi ro để có được đơn hàng duy trì việc làm cho người lao động.
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, tỷ lệ lao động nghỉ việc còn cao. Vì vậy, doanh nghiệp phải thêm chi phí để đào tạo tay nghề cho lao động mới.
Đối với doanh nghiệp sản xuất khác: 6 tháng đầu năm không bố trí đủ việc làm cho người lao động; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán đầu ra thấp nên rất khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…