Quy định trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án nhà ở
Chiều ngày 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đưa ra ý kiến tại Hội trường, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, việc sửa đổi Luật này là hết sức cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc tồn tại nhiều năm nay.
Về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, Điều 48 của dự thảo luật quy định, trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án nhà ở, dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì có quyền tự đầu tư trên đất thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 138 của Luật này. Quy định này sẽ làm quá trình thu hồi đất kéo dài, đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để quy định thuyết phục hơn, đại biểu Định cho hay.
Chỉ rõ vấn đề này, đại biểu Định cho hay, tại khoản 2 Điều 110 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất. Theo đó, tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị bổ sung nội dung việc ghi nhận hiện trạng đất thu hồi tại thời điểm thu hồi, vì việc này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, khoản 1 Điều 106 quy định, khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Tuy nhiên, đại biểu cho rằngthực tế, mức hỗ trợ thường thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế người dân bỏ ra xây dựng. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định quy trình thẩm định trình phê duyệt bảng giá chuẩn về suất vốn đầu tư xây dựng công trình cụ thể để phù hợp với giá thực tế của tài sản bị ảnh hưởng trong từng dự án.
Mặt khác, đối với quy định về đất rừng phòng hộ, khoản 2 Điều 189 có quy định rõ Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích kết hợp trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí…
Đây là quy định mới, tạo điều kiện cho người dân sinh sống tại khu vực này phát triển cuộc sống, tuy nhiên hình thức canh tác kết hợp trồng cây hàng năm, chăn nuôi, trồng cây lâu năm vẫn còn bó hẹp. Đề nghị cần quy định mở hơn vấn đề này, đại biểu Định cho hay.
Bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu tán thành cao với việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW. Về khoản 4 Điều 82 của dự án Luật có đề cập về người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong dự án Luật còn thiếu trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong dự án Luật. Vì vậy, trong dự án Luật cần bổ sung về nội dung này. Ngoài ra, trong dự án Luật cần nêu rõ về quyết định sử dụng, giao đất, thu hồi đất; chất lượng của Hội đồng thẩm định giá đất.
Điều 82 của dự án Luật quy định là sau 3 năm kể từ khi Luật được cơ quan nhà nước phê duyệt kế hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất, không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định. Điều này cũng đã được quy định tại Điều 49 của Luật Đất đai 2013 và năm 2020, Quốc hội khóa XIV sửa đổi Luật Xây dựng thì cũng nêu nội dung này, đại biểu Thân, Khoản 4 phát biểu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thân, quy định chỉ có một chiều về phía quyền của người dân nhưng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lại thiếu một quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước nên cần bổ sung.