Pomina tái cấu trúc, giải thể công ty con, góp nghìn tỷ lập pháp nhân mới

Pomina vừa công bố nội dung tái cấu trúc của doanh nghiệp, bao gồm việc chấm dứt đăng ký kinh doanh của Pomina 1 và Pomina 3, thành lập pháp nhân mới Pomina Phú Mỹ vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng – 2.800 tỷ đồng.
pomina-1676303260.png
 

Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) vừa công bố nội dung tái cấu trúc mà doanh nghiệp dự kiến trình ĐHCĐ bất thường năm 2024 trong thời gian tới.

Theo đó, POM sẽ thành lập 1 pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Pomina Phú Mỹ. Vốn điều lệ dự kiến 2.700 – 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% nguồn vốn), vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60%).

Tại Pomina Phú Mỹ, POM dự kiến sở hữu 35% vốn cổ phần, tương đương số tiền góp vốn từ 900 – 1.000 tỷ đồng, hình thức góp vốn bằng hiện vật bao gồm toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Nhà đầu tư khác sẽ sở hữu 65% vốn điều lệ còn lại, tương đương 1.800 – 1.900 tỷ đồng, thực hiện góp vốn bằng tiền.

Công ty Pomina Phú Mỹ sẽ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của POM. HĐQT POM sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sát nhập Công ty Cổ phần Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, POM sẽ chấm đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị là Công ty TNHH Pomina 1 và Công ty TNHH Pomina 3.

Trong tờ trình ĐHCĐ, POM cũng thông tin về kết quả định giá tài sản, giá trị hiện vật của 2 nhà máy dự kiến đưa vào góp vốn thành lập Pomina Phú Mỹ. Theo đó, giá trị nhà máy thép Pomina 1 là 336,4 tỷ đồng (theo Savills); giá trị nhà máy thép Pomina 3 là 6.357,6 tỷ đồng, bao gồm giá trị lò cao 5.879,6 tỷ đồng (theo AFC) và giá trị lò EAF 478 tỷ đồng (theo Savills).

Tổng giá trị 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 đạt 6.000 – 6.800 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT 10%). Sau khi góp vốn vào Pomina Phú Mỹ, POM sẽ thu hồi lại 5.100 – 5.800 tỷ đồng, trong đó 5.100 tỷ đồng sẽ được sử dụng vào việc thanh toán các khoản phải trả (bao gồm phải trả ngân hàng 3.757 tỷ đồng, phải trả nhà cung cấp 1.343 tỷ đồng).

Trong 3 tháng cuối năm 2023, doanh thu thuần của POM lao dốc 82% so với cùng kỳ, đạt 333 tỷ đồng. Không còn kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ, POM ghi nhận lãi gộp 22 tỷ đồng, khác với khoản lỗ gộp 242 tỷ đồng cùng kỳ.

Dù vậy, POM phải gánh một khoản chi phí lãi vay lên tới 215 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, POM lỗ sau thuế 314 tỷ đồng. Đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.

Cả năm 2023, POM ghi nhân doanh thu thuần giảm 75%, đạt gần 3.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 958 tỷ đồng. POM cho biết, nhà máy thép Pomina 3 vẫn đang ngừng hoạt động nhưng vẫn phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Ngoài ra, tình hình bất động sản đang đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép sụt mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao.