Phó thủ tướng giao Bộ Công an xác định vốn điều lệ Bamboo Airways

admin
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo đó, Phó thủ tướng đánh giá Bamboo Airways là doanh nghiệp mới thành lập, nhưng đã tạo dựng được thương hiệu, chất lượng dịch vụ tốt, có được thiện cảm của khách hàng. Tuy nhiên, hãng đang gặp khó khăn, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, nợ khách hàng, nợ ngân sách nhà nước.

6 bộ, ngành cũng gỡ khó cho Bamboo Airways

Phó thủ tướng giao Bamboo Airways chủ động rà soát, xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp thực tế, đưa công ty vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả.

Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan gồm Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, khẩn trương, chủ động xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways; báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 31/12. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các Ngân hàng TMCP: Hàng Hải, Sài Gòn Thương Tín, Phương Đông, Liên doanh Việt Nga, Quốc dân... Phó thủ tướng yêu cầu theo thẩm quyền xem xét việc hỗ trợ, quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ, đồng hành để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Phó thủ tướng giao nhiều bộ ngành gỡ khó cho Bamboo Airways.

Đối với các kiến nghị cụ thể của Bamboo Airways như việc chấp thuận chủ trương cho thuê đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để đầu tư các công năng hàng không dân dụng phụ trợ, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc xác định vốn điều lệ, Phó thủ tướng giao Bộ Công an theo thẩm quyền, xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước những khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh, Bamboo Airways trước đó đã kiến nghị được Chính phủ, các bộ ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện để hãng vượt qua.

Sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc duy trì điều kiện hoạt động của Bamboo Airways để bảo đảm an ninh, an toàn trong vận tải hàng không dân dụng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng được giao chủ trì phối Bộ Tài chính xử lý các khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước liên quan…); Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan khó khăn trong việc thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép tăng quy mô đội tàu bay lên trên 30 tàu bay.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thế khó của Bamboo Airways

Mới đây, CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết hiện hãng đã ổn định một bước, tuy nhiên ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với trước đây.

Bamboo Airways hiện chỉ còn 10 máy bay.

Cụ thể theo ông Nam, trước đây, Bamboo Airways có 30 tàu, bao gồm cả máy bay thân rộng Dreamliner. Đến nay, hãng chỉ còn 10 máy bay, gồm 7 máy bay Airbus và 3 máy bay Embraer. Hiện hãng cũng chỉ khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao có lúc lên tới hơn 60 đường bay nội địa.

Ngoài ra, CEO Bamboo Airways còn cho biết hãng đang dư thừa rất nhiều lao động. Trong đó, phi công dư cả trăm người, còn tiếp viên dư khoảng 500 người.

Trước bối cảnh dôi dư nguồn lao động, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết Vietjet đã nhận giúp hãng 50 tiếp viên và 20 phi công, còn Vietnam Airlines thì đang nghiên cứu. Bamboo Airways tiếp tục kêu gọi các hãng hàng không tích cực giúp hãng giải quyết lao động dôi dư.

Bamboo Airways đang tái cấu trúc đội máy bay theo hướng chỉ khai thác loại máy bay thân hẹp A320/321 của Airbus và trả sớm một số máy bay. Hãng cũng quyết định loại bỏ loại máy bay Boeing 787 Dreamliner và dừng toàn bộ mạng đường bay quốc tế thường lệ.

CEO Bamboo Airways dự kiến đến năm 2025 thì hãng mới khởi động lại hoạt động bay quốc tế thường lệ.

Theo kế hoạch 5 năm 2024-2028, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2025 hãng sẽ vượt qua điểm kinh doanh hòa vốn và lợi nhuận tăng dần trong các năm sau. Dự kiến đến năm 2028, Bamboo Airways có thể đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.700 tỷ đồng.

{