Ông chủ của PDR và NVL còn lại gì sau những đợt 'rung lắc' vừa qua?

admin
Từ quý III/2022 đến nay, thị trường bất động sản dần đóng băng do những điều hành chính sách tín dụng và kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu gặp khó khăn.

Gam màu ảm đạm bao trùm lên toàn ngành đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền" của nhiều ông chủ bất động sản.

Trong phiên 30/5, thị trường khởi sắc cùng với đà tăng của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất (gần 6%) trong rổ chỉ số VN30.

Với hơn 288 triệu cổ phiếu PDR đang sở hữu, tổng tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đã tăng thêm 231 tỷ đồng lên hơn 4.183 tỷ đồng (tính theo giá thị trường kết phiên ngày 30/5). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng 1/6 so với hồi ông còn trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Theo đó, cổ phiếu của Phát Đạt được niêm yết ngày 30/7/2010 với giá 12.200 đồng/cp. Thời điểm đạt đỉnh lên đến gần 90.000 đồng/cp. Sau những đợt biến động xấu từ thị trường, giá cổ phiếu kết phiên ngày 31/5 về mức 14.600 đồng/cp, kéo theo tài sản của vị chủ tịch PDR đã bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Thị giá cổ phiếu PDR chốt phiên 31/5 đạt 14.600 đồng/cp. Ảnh: VietstockFinance.

Hồi giữa tháng 6/2021, tài sản ông chủ bất động sản phát đạt vượt 1 tỷ USD nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu PDR. Cụ thể, với tổng tài sản hơn 26.000 tỷ đồng, ông Đạt đứng thứ 6 trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, phiên 11/6/2021 là phiên xác lập đỉnh mới cho mã PDR với mức tăng mạnh từ 30.000 đồng/cp lên 87.400 đồng/cp trong vòng chưa đầy 8 tháng. Giá trị vốn hóa của Phát Đạt cũng tăng lên 42.448 tỷ đồng, tức 1,85 tỷ USD.

Tại ngày 31/12/2021, ông Đạt vẫn nằm trong top nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 8. Thời điểm đó, ông có trong tay 28.340 tỷ đồng, tức 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh của vị chủ tịch chỉ kéo dài đến cuối năm 2022. Sau khoảng 1 năm, cổ phiếu PDR đã giảm gần 80%, tương ứng vốn hóa công ty “bốc hơi” hơn 38.000 tỷ đồng. Hồi giữa tháng 12/2022, do công ty gặp khó khiến thị giá giảm sâu, vị chủ tịch đã không còn tên trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Sau gần 1 năm, tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt giảm 23.975 tỷ đồng, tương đương 79% xuống chỉ còn khoảng 4.635 tỷ đồng. Tính đến 14/12/2022, ông đang là người giàu thứ 19 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, các vị trí như vậy luôn dễ có sự thay đổi vì những "đại gia" đứng ngay sau ông Đạt sở hữu khối tài sản gần như tương đương với ông.

Giai đoạn cuối 2022, cổ phiếu PDR đã chứng kiến nhiều đợt giảm sàn liên tiếp dẫn đến bán giải chấp.

Từ ngày 4/11/2022 đến 28/11/2022, mã PDR đã nằm sàn 17 phiên liên tiếp, xuống 12.000 đồng/cp.

Giải trình về việc giá giảm, ban lãnh đạo cho biết do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động của chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp đang kinh doanh. Bên cạnh đó, công ty khẳng định kết quả kinh doanh vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt, không gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu PDR đã bị bán giải chấp tổng 8 lần, riêng chủ tịch Nguyễn Văn Đạt là 5 lần.

Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ VietstockFinance.

Một cổ phiếu cũng có nét tương đồng với Phát Đạt là cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL).

Nguyên nhân là do thị trường bất động sản nhìn chung gặp nhiều khó khăn sau khi lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vòng lao lý như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu năm qua bị siết chặt trong khi lãi suất huy động tăng cao khiến các doanh nghiệp bất động sản như Phát Đạt và Novaland gặp vấn đề về thanh khoản.

Đồ thị cổ phiếu NVL giai đoạn 5 năm. Ảnh: VietstockFinance.

Đồ thị cổ phiếu PDR giai đoạn 5 năm. Ảnh: VietstockFinance.

Tuy cổ phiếu NVL liên tục trượt dốc không phanh, từng là tâm điểm chú ý với 17 phiên liên tiếp giảm sàn, hàng trăm triệu cổ phiếu chất sàn không có người mua, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch NovaGroup vẫn góp mặt trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm vừa qua.

Cổ phiếu NVL liên tục bị bán giải chấp cùng với giao dịch tự bán từ các đại cổ đông trong tháng 11/2022 đến nay. Ảnh: VietstockFinance.

Cổ phiếu NVL liên tục bị bán giải chấp cùng với giao dịch tự bán từ các đại cổ đông trong tháng 11/2022 đến nay. Ảnh: VietstockFinance.

Xét về giá trị tài sản bốc hơi trong năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn là người mất nhiều tiền thứ hai (hụt 87% giá trị tài sản), chỉ kém tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tài sản của ông Nhơn đầu năm lên tới 72.400 tỷ đồng (nắm giữ hơn 275 triệu cp NVL), nhưng đến cuối năm chỉ còn chưa tới 10.000 tỷ đồng (gần 97 triệu cp NVL).

Vấn đề về thanh khoản đã buộc Novaland phải thực hiện rất nhiều biện pháp để tái cấu trúc tài chính, trong đó có cả việc bán bớt cổ phiếu. Những yếu tố đó khiến giá trị tài sản của ông Nhơn giảm sâu và xếp thứ 7 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2022.

Có thể thấy, "cơn bão" trái phiếu vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các đại gia đặc biệt là những người sở hữu doanh nghiệp BĐS. Với hàng loạt những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới nhiều khả năng tài sản của những "đại gia" kể trên sẽ được phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phải cần từ 2-3 năm thì BĐS mới có thể phục hồi như thời "đỉnh cao" trước đây.

Doanh nhân Việt Nam
{