Tỷ phú USD “văng” khỏi Top 10 người giàu nhất
Chỉ sau khoảng 1 năm, cổ phiếu PDR giảm gần 80% khiến vốn hóa thị trường Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt “bốc hơi” hơn 38.000 tỷ đồng. Kết quả là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bị giải chấp 30 triệu cổ phiếu PDR.
Chưa dừng lại ở đó, cổ phiếu PDR giảm sâu đã khiến ông Đạt “văng” ra khỏi Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, ông Đạt vẫn nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vị trí thứ 8. Tại thời điểm đó, ông Đạt có trong tay tỷ đô la (28.340 tỷ đồng – 1,2 tỷ USD). Dù có trong tay 1,2 tỷ USD, ông Đạt vẫn không được Tạp chí Forbes đưa vào danh sách tỷ phú đô la.
Giới đầu tư tài chính đã quá quen với động thái này của Forbes. Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland cũng không được Forbes “gọi tên” dù giá trị cổ phiếu họ nắm giữ vượt qua con số tỷ đô la. Nguyên nhân là do Forbes định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.
Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.Forbes đã chứng minh động thái chưa “công nhận” ông Nguyễn Văn Đạt là tỷ phú đô la là có cơ sở. Hiện tại, tài sản ông Đạt giảm sâu và bản thân ông Đạt đã “văng” ra khỏi Top 10 người giàu nhất Việt Nam.
Sau gần 1 năm, tài sản ông Nguyễn Văn Đạt giảm 23.975 tỷ đồng, tương đương 79% xuống chỉ còn khoảng 4.635 tỷ đồng . Vì vậy, ông Đạt đang là người giàu thứ 19 trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến 14/12. Thậm chí, vị trí này cũng có thể rớt khỏi tay ông Đạt vì những đại gia đứng ngay sau ông Đạt sở hữu khối tài sản không có nhiều chênh lệch so với ông Đạt.
Có thể kể đến một vài đại gia như bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hồ Hùng Anh và cũng là cổ đông lớn của Techcombank (4.597 tỷ đồng), baf Lý Thị Thu Hà, cổ đông lớn của VPBank (4.570 tỷ đồng)...
Từng cầm cố không chỉ cổ phiếu PDR
Năm 2012, ông Nguyễn Văn Đạt cầm cố 33 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) - Chi nhánh quận 1. Tới năm 2013, ngân hàng này cấp cho ông Đạt khoản vay trị giá 103 tỷ đồng cho tiêu dùng cá nhân. Tài sản đảm bảo là 12 triệu cổ phiếu PDR.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Đạt và DongA Bank – Chi nhánh quận 1 nhiều lần phát sinh hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo vẫn là hàng chục triệu cổ phiếu PDR.
Ngoài ra, cổ phiếu PDR còn được cầm cố tại một số tổ chức khác như Công ty TNHH Đầu tư Big Gain, Công ty TNHH Dynamic Innovation. Khoản vay mới nhất được đảm bảo bằng 17 triệu cổ phiếu PDR là tại Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM. Hợp đồng được ký trong ngày 1/2/2021. Nhưng PDR không phải cổ phiếu duy nhất trở thành tài sản đảm bảo.
Ngày 29/1/2018, ông Nguyễn Văn Đạt ký hợp đồng với Ngân Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - Khối ngân hàng bán buôn Miền Nam. Tài sản đảm bảo là các cổ phần đang lưu hành của Công ty Cổ phần Địa Ốc Tân Hoàng, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt, ông Nguyễn Hữu Lộc và ông Nguyễn Hữu Lễ. Giá trị tài sản đảm bảo là 200 tỷ đồng.
Cổ phần đang lưu hành của Công ty Cổ phần Địa Ốc Tam Bình, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt, ông Nguyễn Hữu Lễ và ông Bùi Đình Huynh đã trở thành tài sản đảm bảo hợp đồng vay vốn với Techcombank - Khối ngân hàng bán buôn Miền Nam. Giá trị tài sản này là 1.035 tỷ đồng.
Theo TCDN