Nova Consumer: Nợ phải trả “phình to”, vẫn quyết tâm lên sàn

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 Nova Consumer chỉ là gần 49 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đang bị “phình to” đến hơn 2.112 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022 và doanh nghiệp này vẫn đang quyết tâm lên sàn chứng khoán.

Quyết tâm lên sàn

Trong một thông báo mới đây, Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer) đã công bố dự thảo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hoặc Thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCOM).

Theo đó, Nova Consumer cho biết, trong năm 2022 công ty đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE theo Nghị quyết đại hội cổ đông số 11.18/2022/NQ-ĐHĐCĐ-NCG ngày 31/5/2022. Tới ngày 09/12/2022, công ty nhận được thông báo của HoSE về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết do chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn HoSE yêu cầu.

Hiện nay, công ty đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để nộp lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại HoSE. Tuy nhiên, để tạo sự linh động trong việc thực hiện giao dịch cổ phiếu nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cổ đông, công ty đề xuất bổ sung phương án thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu tại UPCOM.

nova-consumer-6620-1681886586.png
Nova Consumer đang lấy ý kiến cổ đông để tiếp tục cho mục tiêu lên sàn chứng khoán.

Theo tìm hiểu của PV, kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán được lãnh đạo Nova Consumer chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 02/2022, ngay sau khi công ty hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và hướng đến mục tiêu doanh thu tỷ USD.

Đến tháng 3/2022, Nova Consumer đã hoàn tất đợt chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng/cổ phần, thu về gần 480 tỷ đồng. Kết quả chào bán giúp tập đoàn này tăng vốn điều lệ lên gần 1.200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền huy động được dự kiến sử dụng để mua lại phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc (Sunrise Foods) nhằm phát triển chuỗi thực phẩm của Nova Consumer; và góp vốn vào Sunrise Foods.

Nova Consumer từng chia sẻ công ty định hướng đẩy mạnh mảng bán lẻ tiêu dùng với mục tiêu đến năm 2026, cán cân dự kiến chuyển đổi với gần 40% từ hàng tiêu dùng và khi đó Nova Consumer sẽ chính thức chạm mốc doanh thu tỷ USD. Cùng với đó, ngành tiêu dùng dự kiến sẽ giúp cải thiện lợi nhuận, tập đoàn này cũng đặt mục tiêu chạm mức vốn hoá tỷ USD ngay trong năm 2026. Song song với mục tiêu gia tăng số điểm bán, Nova Consumer đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 50%/năm để đạt doanh thu trên 1 tỷ USD sau 5 năm gia nhập lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Có thể thấy, với việc thực hiện lấy ý kiến cổ đông để bổ sung cho Nghị quyết đại hội cổ đông số 11.18/2022/NQ-ĐHĐCĐ-NCG, Nova Consumer đang rất quyết tâm để thực hiện việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để thực hiện tham vọng vốn hóa tỷ USD.

Nợ phải trả đang “phình to”

Theo báo cáo giải trình của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM thì năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất quý 4/2022 tăng 299,09% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, năm 2022 Nova Consumer đạt lợi nhuận sau thuế gần 49 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ gần 25 tỷ đồng và con số chênh lệch là hơn 73 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của Nova Consumer đạt được như vậy là do doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước. Qua báo cáo giải trình này có thể thấy, việc kinh doanh của Nova Consumer đang đi đúng hướng và có tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, thực tế thì Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022 lại có “màu hồng” như vậy!

bctc-1681886494.jpg
Nợ phải trả của Nova Consumer đang được “phình to” hơn tại thời điểm ngày 31/12/2022.

Cụ thể, tại bảng BCTC này thể hiện, tổng nguồn vốn của Nova Consumer tại thời điểm ngày 31/12/2022 là hơn 5.123 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 1.426 tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2021. Trong tổng nguồn vốn này, có gần 1.200 tỷ đồng mới được huy động như trên và khoảng 1.250 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nếu phân phối hết phần lợi nhuận sau thuế này, tổng nguồn vốn của Nova Consumer chỉ còn lại khoảng 3.873 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2022, nợ phải trả của Nova Consumer cũng tăng lên ở mức hơn 2.112 tỷ đồng, tăng thêm gần 690 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 1.680 tỷ đồng gồm có 2 khoản lớn là nợ phải trả cho người bán hơn 459 tỷ đồng và vay, nợ thuê tài chính gần 1.030 tỷ đồng. Còn nợ dài hạn của Nova Consumer là hơn 432 tỷ đồng.

Đối với khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tại BCTC của Nova Consumer thể hiện, thời điểm ngày 01/01/2022 Tập đoàn này đang vay tại các ngân hàng với tổng số tiền là gần 477 tỷ đồng, vay dài hạn đến hạn phải trả là hơn 163 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022 thì khoản vay tại ngân hàng tăng lên thành gần 792 tỷ đồng, vay dài hạn đến hạn phải trả cũng tăng lên thành gần 228 tỷ đồng và khoảng 10 tỷ đồng được vay từ bên thứ 3.

Đối với khoản vay dài hạn, cũng mốc thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/01/2022, Nova Consumer trả được khoản 55 tỷ vay cá nhân, nhưng lại vay thêm ngân hàng khoảng 144 tỷ đồng để tăng lên ở mức khoảng hơn 387 tỷ đồng.

Cũng theo BCTC hợp nhất quý 4/2022 của Nova Consumer, khoản lợi nhuận gần 49 tỷ đồng sẽ được phân bổ khoảng hơn 40 tỷ đồng cho cổ đông của công ty. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được Nova Consumer phân bổ cho các cổ đông không kiểm soát. Như vậy, với tổng nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng Nova Consumer chỉ đạt lợi nhuận ở mức khiêm tốn là khoảng gần 49 tỷ đồng (khoảng 1%), liệu rằng việc kinh doanh của Tập đoàn này có đang thực sự hiệu quả hay không?

Theo tìm hiểu của PV, trong năm 2023, Nova Consumer dự kiến đạt doanh thu thuần 5.625 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với kết quả đạt được năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, tới hơn 70% về còn mức 88 tỷ đồng. Ngoài ra, Nova Consumer dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn của người lao động trong công ty (ESOP) với số lượng tối đa 2% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Thời gian thực hiện chậm nhất tới quý 1/2024.

Được biết, xuất phát điểm của Nova Consumer – một thành viên của Tập đoàn Đầu tư và Phát triển kinh tế NovaGroup – chính là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, được thành lập năm 1992. Đến nay, Nova Consumer đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng công ty luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp giải pháp toàn diện và tối ưu cho người chăn nuôi bao gồm thuốc thú y, vắc xin, thức ăn chăn nuôi, các giải pháp chăn nuôi kỹ thuật cao…

cau-dat-farm-1681886494.jpg
Cầu Đất Farm được Nova Consumer mua lại vốn có nguồn gốc “đất công” được Nhà nước cho thuê.

Từ năm 2019, Nova Consumer chính thức đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng. Tất cả đều được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Nova Consumer chính thức tham gia vào lĩnh vực hàng tiêu dùng với các sản phẩm dinh dưỡng, thức uống, thực phẩm.

Theo thống kê, hiện nay Nova Consumer đang có 15 công ty con và 2 công ty liên kết. Trong đó, nổi bật lên là Công ty CP Phindeli với thương hiệu cà phê PhinDeli có nguyên liệu từ Cầu Đất Farm. Theo tìm hiểu của PV, Cầu Đất Farm vốn dĩ là đất công được Nhà nước cho Công ty CP chè Cầu Đất – Đà Lạt thuê. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, sau một vòng chuyển nhượng thì một phần khu đất này đến nay đã được Nova Consumer mua lại.

Theo Sinh Thái Nông Nghiệp