MBB, PVB và PVC là Top những 'ông lớn’ chịu tác động nặng
Theo báo cáo ngắn của CTCP FIDT mới đây, trong các “chủ nợ” lớn của hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL), Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) là ngân hàng có dư nợ lớn nhất. Dư nợ của riêng tập đoàn này tại MBB tính đến nay đã gần 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ của cả ngân hàng.
Nhóm phân tích dự phóng chi phí rủi ro tín dụng của MBB trong 2023 ở mức 12 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ do khả năng thanh toán của khách hàng chậm trong tình hình kinh tế như hiện nay cùng với các vấn đề về thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) dự phóng đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hoạt động trước dự phòng rủi ro (PPOP) sẽ đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9.7%. Lợi nhuận trước thuế của MBB có thể đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%.
"Chủ nợ" lớn thứ 2 của NVL là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) với 9,4 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HOSE: CTG) cũng cho vay gần 2,9 nghìn tỷ đồng, nằm trong top 3 ngân hàng cho vay nhiều nhất đối với tập đoàn này (tính đến cuối tháng 2).
Tính đến ngày 23/2, tổng dư nợ tín dụng và trái phiếu của NVL ước đạt 57,6 nghìn tỷ VND, trong đó dư nợ ngắn hạn 26,7 nghìn tỷ và dài hạn 30,9 nghìn tỷ VND.
Với việc không trả được trái phiếu NVLH2123009, tất cả dự nợ tín dụng trên sẽ có nguy cơ cao chuyển sang nhóm nợ xấu, cụ thể là nhóm 3. Qua đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng thêm hơn 40 tỷ.
Đối với ngành ngân hàng, FIDT nhận định việc NVL mất khả năng thanh toán nợ sẽ dẫn đến vấn đề suy giảm chất lượng nợ trong hệ thống ngân hàng, từ đó các ngân hàng liên quan phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, kết quả kinh doanh (KQKD) của nhóm ngân hàng nhiều khả năng sẽ suy giảm trong năm 2023.
Ngân hàng là ngành đóng góp lớn nhất vào vốn hóa của thị trường chứng khoán nên KQKD của ngành ngân hàng suy giảm và quan ngại của nhà đầu tư về vấn đề rủi ro hệ thống từ sự việc của NVL sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới.
Các khoản cho vay thế chấp mua bất động sản liên quan đến chủ đầu tư mất khả năng thanh toán/hết thời gian ân hạn cũng là rủi ro lớn về suy giảm chất lượng nợ.
Novaland gặp khó 'trăm bề'
Thống kê cho thấy, khoản nợ của NVL và các công ty liên quan đã đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng tính đến quý I/2023.
Hiện tại, tập đoàn đang phải đối mặt với khó khăn trong việc xoay dòng tiền để trả nợ. Quý I có thể xem là thấp điểm của các khoản nợ đáo hạn. Tuy nhiên, NVL đã không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn khi lô trái phiếu phát hành thông qua PSI mã NVLH2123009 giá trị 1 nghìn tỷ đồng chưa được hoàn thành nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi. Cùng với áp lực nợ đáo hạn rất lớn từ quý II và III/2023, sự cải thiện mạnh về dòng tiền là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Theo ban lãnh đạo, tập đoàn cần hoàn thiện 1 số thủ tục pháp lý để giải tỏa hơn 10 nghìn tỷ đồng tiền gửi tại các Ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa đủ cho các khoản nợ đáo hạn trong 2023, đặc biệt trước bối cảnh dòng tiền kinh doanh được dự báo theo chiều hướng tiêu cực dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, các sản phẩm của tập đoàn thuộc phân khúc cao cấp, nhu cầu thực thấp rất nhạy cảm với môi trường lãi suất cao. Thứ hai, tình trạng cắt lỗ do lãi suất tăng và hết ân hạn lãi có thể khiến làn sóng “cắt lỗ hàng loạt" tại các dự án và không có dòng tiền trở về tập đoàn (nhà phát triển dự án), từ đó ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định về rủi ro tiềm ẩn là những lô trái phiếu của NVL đồng loạt bị vỡ nợ chéo (cross–default) và các khoản tín dụng ngân hàng bị giảm chất lượng về các nhóm nợ xấu hơn sẽ khiến việc huy động vốn cho hoạt động càng trở nên khó khăn.
Theo DNVN