Nợ xấu tăng nhanh, HDBank vẫn liên tục xin phát hành trái phiếu

Chất lượng tín dụng của HDBank đang có dấu hiệu đi xuống. Tổng nợ xấu hợp nhất cuối năm 2022 lên đến 4.404 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm trong đó nợ có khả năng mất vốn đã tăng 29% so với đầu năm, lên 1.141 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – mã HDB) tại ngày 31/12/2022 đạt hơn 416.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 366.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 216.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm.

Thời điểm cuối năm 2022, dư nợ đạt hơn 268.000 tỷ đồng, tăng trên 26% so với đầu năm. Chất lượng tín dụng của HDBank đã đi xuống rõ rệt. Tổng nợ xấu hợp nhất lên đến 4.404 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ mức 1,65% đầu năm lên 1,67%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đã tăng 29% so với đầu năm, lên 1.141 tỷ đồng.

hdbank-2-1676045352.pngHDBank vẫn liên tục xin phát hành trái phiếu dù vẫn ôm nợ hàng chục nghìn tỷ đồng
 

Về kết quả kinh doanh quý IV, HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt hơn 4.932 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 11% lên 820 tỷ đồng. Hoạt động khác trong kỳ tăng đột biến so với cùng kỳ lên 185,8 tỷ đồng.

Ngược lại, HDBank lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 65,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 91,9 tỷ đồng. Ngân hàng lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh 350 triệu đồng nhưng lại lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư 3,9 tỷ đồng.

Trong quý IV, chi phí hoạt động của HDBank tăng mạnh 61% so với cùng kỳ lên mức 2.671 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ 4% xuống 945,8 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng lãi trước thuế 2.252 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, thu nhập lãi thuần của HDBank tăng 30% so với năm trước, đạt gần 18.012 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi gần 2.957 tỷ đồng, tăng đến 53%. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng gấp 2,9 lần, đạt hơn 528 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, HDBank lãi trước thuế hơn 10.268 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.

Liên tục huy động trái phiếu

Mới đây, HDBank đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế của HDBank nhận được sự đồng thuận cao với tỷ lệ tán thành đạt 79,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo đó, HDBank sẽ phát hành tối đa 5.000 trái phiếu chuyển đổi quốc tế qua phương thức phát hành riêng lẻ, tổng mệnh giá phát hành dự kiến tối đa là 500 triệu USD. Thời gian thực hiện dự kiến trong hai năm 2023 và 2024. Đây là loại hình trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

hdbank-1-1676045352.pngCác nhà đầu tư đang có những hoài nghi về trái phiếu của HDBank
 

Trái phiếu được chào bán trên thị trường quốc tế với thời hạn 5 năm 1 ngày kể từ ngày phát hành. Lãi suất của trái phiếu được Hội đồng quản trị HDBank quyết định tại thời điểm phát hành, cố định trong 5 năm kể từ ngày phát hành và chỉ được thay đổi một lần sau 5 năm kể từ ngày phát hành.

Trước đó, HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính trên thế giới. HDBank cũng là một trong những ngân hàng tích cực trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo dữ liệu từ HNX, trong năm 2022, HDB đã hoàn tất phát hành 13 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.600 tỷ đồng.

Mặt khác, HDBank cũng đã “sốt sắng” mua lại nhiều lô trái phiếu trước hạn trong năm qua. Mới nhất vào tháng 11/2022, ngân hàng đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu HDB2027_02 phát hành ra công chúng ngày 10/11/2020 và đáo hạn ngày 10/11/2027. Trước đó, vào ngày 12/9, ngân hàng cũng đã mua lại trước hạn lô trái phiếu HDB2027_01 phát hành ngày 11/9/2020, đáo hạn năm 2027. Tổng giá trị của lô trái phiếu là 800 tỷ đồng.

hdbank-1676045352.pngNhững thông số liên quan đến việc phát hành trái phiếu của HDBank 
 

Đến cuối năm 2022, HDBank có tổng dư nợ trái phiếu 25.773 tỷ đồng, giảm hơn 3.100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, gần 19.500 tỷ đồng là trái phiếu phát hành có thời hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm, còn lại là từ 5 năm trở lên.

Theo TCMT