NHNN sẽ tăng biện pháp kiểm soát rủi ro với tổ chức tín dụng phi ngân hàng

admin
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang thực hiện xây dựng Dự thảo thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

to-chuc-tin-dung-1-1675266132.png

Ảnh minh hoạ

 

Dự thảo thông tư quy định, hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ.

Được biết, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đơn giản hơn so với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như không nhận tiền gửi của cá nhân, chỉ nhận tiền gửi của tổ chức và không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán như ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, NHNN cho biết, các hoạt động này vẫn tiềm ẩn các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Do vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel có thể xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Điều này cũng đồng nhất với xu hướng quản trị điều hành doanh nghiệp nói chung hiện nay.

Một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo thông tư là vấn đề thẩm định tín dụng. Theo đó, dự thảo thông tư lần 2 quy định tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện thẩm định tín dụng đảm bảo tối thiếu các nội dung bao gồm xác định cụ thể người có liên quan của khách hàng, tổng dư nợ cấp tín dụng của khách hàng, tổng dư nợ cấp tín dụng của khách hàng và người có liên quan. Riêng đối với tín dụng tiêu dùng xác định tổng dư nợ cấp tín dụng của khách hàng;…

Theo ý kiến của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, việc xác định người có liên quan của khách hàng, trong việc thu thập và thẩm định thông tin tín dụng của người có liên quan của khách hàng như vợ/chồng, cha mẹ, con, anh, chị, em, phát sinh nhiều thời gian, nguồn lực và chi phí, trong khi món vay tín dụng cá nhân/tín dụng tiêu dùng thường có giá trị nhỏ.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng nói chung và tổ chức tín dụng phi ngân hàng nói riêng chưa được phép truy cập thông tin vào hệ thống quản lý dân cư quốc gia, ví dụ, hệ thống tra cứu CMND/CCCD, hệ thống tra cứu về bảo hiểm xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia đang trong quá trình hoàn thiện và thống nhất. Do đó, quy định nêu trên chỉ nên đưa vào áp dụng khi cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện, theo ý kiến của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Ngoài ra, dự thảo thông tư lần 2 bổ sung quy định về việc mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất rủi ro hoạt động.

Theo đó, dự thảo thông tư đề xuất tổ chức tín dụng phi ngân hàng được mua bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất phát sinh từ rủi ro hoạt động theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính và bù đắp tổn thất của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Tuy nhiên, tổ chức tín dụng phi ngân hàng không sử dụng việc mua bảo hiểm để thay thế quản lý rủi ro hoạt động, phải đánh giá hiệu quả giảm thiểu tổn thất phát sinh từ rủi ro hoạt động của việc mua bảo hiểm, đánh giá năng lực của doanh nghiệp bán bảo hiểm trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm và các rủi ro mới khác (nếu có).

Theo Đầu tư tài chính

{