Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023

Những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn là một yếu tố rủi ro gây ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của số lượng lớn các doanh nghiệp khiến rủi ro nợ xấu gia tăng, gây áp lực lên chi phí trích lập của hệ thống ngân hàng.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đưa ra mức điểm hợp lý cho VN-Index là 1,240 với P/E mục tiêu là 15.5 lần. Tuy nhiên, rủi ro chính ảnh hưởng dự báo là rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm.

Đối với triển vọng trong nửa cuối năm 2023, KBSV đưa ra 4 yếu tố chính định hình xu hướng TTCK Việt Nam, bao gồm:

Thứ nhất, xu hướng lãi suất của nền kinh tế. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm dù dư địa giảm mạnh không còn nhiều. Ở chiều ngược lại, rủi ro suy thoái của nền kinh tế cũng là là yếu tố chính kìm hãm đà giảm của mặt bằng lãi suất cho vay.

Thứ hai, chính sách tiền tệ của Fed. Trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước đã hạ nhiệt, việc Fed giữ nguyên quan điểm diều hâu sẽ gây áp lực lên chỉ số DXY, tỷ giá trong nước, qua đó thu hẹp dư địa nới lỏng chính sách của NHNN.

Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023. Ảnh minh hoạ

Thứ ba, theo nhận định của KBSV, những khó khăn của thị trường TPDN trong thời gian vừa qua vẫn là một yếu tố rủi ro gây ảnh hưởng lớn tới TTCK Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của số lượng lớn các DN khiến rủi ro nợ xấu gia tăng, gây áp lực lên chi phí trích lập của hệ thống ngân hàng.

Tính từ đầu năm đến ngày 14/6, KBSV ước tính tổng giá trị TPDN chậm trả gốc, lãi ở mức 61 nghìn tỷ, chiếm 5.7% giá trị TPDN đang lưu hành. Trong đó bao gồm 9.3 nghìn tỷ TPDN đã đáo hạn không trả được gốc, còn lại là 51.8 nghìn tỷ TP chưa đến hạn nhưng chậm thanh toán lãi. Lượng TP chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại.

Xét về cơ cấu các ngành, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị TPDN chậm trả nợ, ghi nhận mức 42.4 nghìn tỷ. Nhóm tài chính bao gồm các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán không ghi nhận lô TP nào chậm trả.

Dự tính sẽ có khoảng 150.6 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn vào nửa cuối năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91.8 nghìn tỷ, tăng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.6 nghìn tỷ vào tháng cuối năm 2023. Nhóm BĐS tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63.3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.

Cuối cùng, một trong số các rủi ro lớn nhất mà TTCK Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt trong giai đoạn nửa cuối năm là việc mặt bằng lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao đang làm gia tăng rủi ro suy thoái tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. TTCK sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu suy yếu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan.