NHNN yêu cầu Ban kiểm soát nội bộ các ngân hàng tăng cường giám sát, ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra

Thống đốc yêu cầu tăng cường hoạt động của Ban kiểm soát, nhất là hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động rủi ro tiềm ẩn của các TCTD.
kiem-soat-tin-dung-1691937235.jpeg
 

Chiều ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng (TCTD) dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Theo Thống đốc, hệ thống TCTD đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của TCTD là hoạt động có điều kiện. Bên cạnh tuân thủ các quy định pháp luật chung, TCTD còn phải tuân thủ hoạt động của cơ quan quản lý, tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, trong vấn đề quản trị điều hành để hoạt động của mỗi TCTD an toàn, lành mạnh. 

NHNN cũng ban hành hành lang pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát, tăng cường bộ máy thanh tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tăng cường công tác này. Từ thực tế triển khai, việc đảm bảo an toàn của TCTD là một vấn đề toàn diện cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD vô cùng quan trọng, phải nhận diện được rủi ro đối với hoạt động của TCTD, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân, đánh giá công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD để có những đề xuất phù hợp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, ngân hàng với vai trò là trung gian tài chính có chức năng cơ bản là huy động vốn để cho vay, do đó hoạt động ngân hàng luôn chứa đựng và tiềm ẩn rủi ro. Để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh ngân hàng, hoạt động quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu, duy trì liên tục và thường xuyên cải tiến, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Thời gian qua, hoạt động của Ban kiểm soát đã đạt được những kết quả trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần lưu ý như: Tại một số TCTD hoạt động của Ban kiểm soát còn chưa thực sự chủ động, hiệu quả; chưa đánh giá thường xuyên và nhận diện toàn diện rủi ro hoạt động của TCTD…

Trong thời gian qua, trên cơ sở kết quả công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, NHNN đã ban hành các công văn chỉ đạo, trong đó yêu cầu TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với một số hoạt động cụ thể của TCTD; yêu cầu Ban kiểm soát của một số TCTD căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá, có ý kiến với Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị đối với một số nội dung hoạt động cần lưu ý của TCTD; rà soát quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán nội bộ để đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, Ban kiểm soát của TCTD phải tăng cường giám sát hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra; chủ động phối hợp với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, rà soát hoạt động của Ban kiểm soát, tình hình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các nội dung, yêu cầu, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xử lý khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động của Ban kiểm soát, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của TCTD liên quan đến một số lĩnh vực như tín dụng, kho quỹ tiền mặt… Theo Phó Thống đốc, tín dụng là một lĩnh vực cần thiết nhất cần quản lý, phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chính vì vậy, trước tiên, Ban kiểm soát phải giám sát và kiểm soát chặt trong việc ban hành văn bản; Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của cơ quan quản lý trong hoạt động của TCTD, coi đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát việc thực hiện đúng những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN... Đặc biệt, Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát hiện rủi ro ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ động đề xuất giải pháp với Hội đồng quản trị, Ban điều hành nếu phát hiện có vấn đề…

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với lĩnh vực an toàn kho quỹ trong điều kiện khối lượng tiền giao dịch lớn, phạm vi hệ thống rộng phải được thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị Ban Kiểm soát cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ gửi NHNN. Cần tăng cường hơn nữa tính độc lập của Ban Kiểm soát, đặc biệt là trong việc thực hiện giám sát Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc trong việc quản lý và điều hành TCTD, việc thực hiện quyền, chức trách của Người đại diện phần vốn nhà nước tại TCTD. 

Kết luận tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành của các TCTD phải quan tâm đặc biệt tới công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong việc bố trí về nguồn lực để đảm bảo hoạt động của bộ phận này có hiệu quả. Hội đồng quản trị phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu để Ban kiểm soát thực hiện chức trách của mình, đồng thời tạo điều kiện để Ban kiểm soát tham gia toàn bộ các cuộc họp liên quan đến điều hành, triển khai hoạt động của ngân hàng để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các TCTD. 

Đối với Ban Kiểm soát của các TCTD, cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, lựa chọn bố trí nhân sự đầy đủ, đảm bảo có chất lượng để triển khai hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát. Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Ban kiểm soát, nhất là hoạt động tự phát hiện, tự cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động rủi ro tiềm ẩn của các TCTD, đề xuất với Hội đồng quản trị, Ban điều hành các biện pháp khắc phục, tập trung vào những rủi ro như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro về tỷ giá; rủi ro về hoạt động thanh toán cả trong nước và quốc tế; những vấn đề liên quan đến phòng chống rửa tiền…