Theo bản thông tin do Nhà Trắng công bố, Tokyo sẽ mua 100 máy bay Boeing, tăng 75% lượng gạo nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời chi 8 tỷ USD để mua các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ , bao gồm ngô, đậu nành, phân bón, bioethanol và nhiên liệu hàng không bền vững.
Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của Nhật Bản sẽ chi thêm "hàng tỷ USD mỗi năm" để mua thiết bị quốc phòng của Mỹ. Nhà Trắng cho biết động thái này sẽ góp phần tăng cường khả năng tương tác và củng cố an ninh liên minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc mở rộng đáng kể xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Nhật Bản cũng được đưa vào thỏa thuận.

Một điểm đáng chú ý khác là Nhật Bản sẽ loại bỏ các hạn chế lâu nay đối với ô tô và xe tải nhập khẩu từ Mỹ, tạo điều kiện để các nhà sản xuất ô tô Mỹ tiếp cận thị trường tiêu dùng Nhật Bản dễ dàng hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản chấp thuận các tiêu chuẩn kỹ thuật ô tô của Mỹ, theo bản thông tin từ Nhà Trắng.
Ngoài ra, Tokyo sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào việc tái thiết và mở rộng các ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ, bao gồm năng lượng, chất bán dẫn, khoáng sản chiến lược, dược phẩm, cũng như đóng tàu thương mại và quốc phòng.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ sẽ chịu mức thuế suất cơ bản 15%, thay vì mức thuế "có đi có lại" 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố đầu tháng này.
Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội sáng 23/7, Tổng thống Trump khẳng định sẵn sàng giảm thuế nếu điều đó giúp các công ty Mỹ tiếp cận thị trường nước ngoài dễ dàng hơn.
"Tôi sẽ luôn sẵn sàng nhượng bộ về thuế quan nếu điều đó giúp các quốc gia lớn mở cửa thị trường cho Mỹ. Đó chính là một sức mạnh to lớn khác của thuế quan. Nếu không có thuế quan, sẽ không thể nào buộc các nước phải mở cửa! MỸ PHẢI LUÔN ĐƯỢC HƯỞNG THUẾ SUẤT BẰNG 0 ", Tổng thống Trump viết trên Truth Social.
Về thỏa thuận với Nhật Bản, ông Trump cho biết Tokyo đang mở cửa thị trường cho Mỹ "lần đầu tiên", bao gồm các mặt hàng xuất khẩu như ô tô, xe SUV, xe tải và "thậm chí cả nông sản và GẠO - những mặt hàng từng luôn bị từ chối hoàn toàn".
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc mở cửa thị trường này sẽ tác động như thế nào đến khả năng tiêu thụ sản phẩm Mỹ tại Nhật Bản, đặc biệt là ô tô, bởi hiện tại Nhật Bản không áp thuế nhập khẩu đối với xe du lịch. Đặc phái viên thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết nước này sẽ loại bỏ các yêu cầu kiểm tra an toàn bổ sung đối với những nhà sản xuất ô tô Mỹ được đánh giá là đáng tin cậy.
Đối với mặt hàng gạo, ông Akazawa nhấn mạnh rằng Nhật Bản vẫn giữ nguyên hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế 770.000 tấn, nhưng sẽ tăng tỷ trọng gạo nhập khẩu từ Mỹ trong phạm vi hạn ngạch này. Gạo nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ vẫn bị đánh thuế ở mức 341 yên (tương đương 2,33 USD)/kg.
Trước đó, Tokyo từng đề xuất gia tăng mua các mặt hàng nông sản Mỹ như đậu nành và ngô trong khuôn khổ đàm phán thương mại.
Thỏa thuận cũng quy định việc giảm thuế nhập khẩu của Mỹ đối với ô tô sản xuất tại Nhật Bản từ 27,5% xuống còn 15%, đồng thời không giới hạn số lượng xe được nhập khẩu theo mức thuế mới.
Ông David Boling, Giám đốc phụ trách thương mại Nhật Bản và châu Á tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định việc ông Trump nhượng bộ về thuế quan là điều gây bất ngờ. Ông cho rằng những nhà sản xuất ô tô lớn tại Hàn Quốc và Đức chắc chắn sẽ muốn có một thỏa thuận tương tự.
“Tôi chắc chắn các quan chức chính phủ tại Seoul đang thức khuya để nghiên cứu kỹ thỏa thuận này. Phía Hàn Quốc sẽ tìm cách liên hệ với các đầu mối từ chính phủ Nhật Bản và làm mọi điều có thể để khai thác chi tiết thỏa thuận”, ông Boling cho hay.
Tuy nhiên, ông Boling dự đoán Tổng thống Trump có thể từ chối các yêu cầu tương tự, viện dẫn rằng Nhật Bản là một ngoại lệ bởi nước này sản xuất tới 3,3 triệu xe tại Mỹ và đã cam kết đầu tư 550 tỷ USD - một con số mà khó quốc gia nào có thể sánh được.
Thỏa thuận với Nhật Bản cũng khiến một số quốc gia khác, như Philippines, phải cân nhắc lại các điều khoản mà họ đã thống nhất với chính quyền Tổng thống Trump.
“Tôi ước gì chúng tôi đã đàm phán quyết liệt hơn. Nhật Bản đã nhận được mức ưu đãi lớn hơn nhiều”, ông Richard Heydarian, nhà khoa học chính trị người Philippines và giảng viên cao cấp tại Trung tâm châu Á, Đại học Philippines, chia sẻ.
Trước khi công bố thỏa thuận với Nhật Bản, ông Trump và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đạt được một thỏa thuận trong đó mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Philippines chỉ giảm nhẹ từ 20% xuống 19%.