Theo tin từ Tập đoàn công nghệ Bkav, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm qua ở mức 17.300 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với các năm trước. Báo cáo khảo sát an ninh mạng của Bkav ghi nhận tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng.
Nếu năm 2022, con số này là 69,6% thì trong năm 2023 là 73%. Lừa đảo tài chính qua mạng bùng nổ trong những năm gần đây và trở thành vấn nạn khi nạn nhân thuộc mọi tầng lớp và sinh sống ở bất cứ đâu.
Vẫn theo Bkav, trong năm 2023, hệ thống giám sát và cảnh báo virus của đơn vị ghi nhận 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản (Facebook, ngân hàng), tăng 40% so với năm 2022. Phát tán mạnh nhất phải kể đến các dòng như RedLineStealer, ArkeiStealer, Fabookie… đều nằm trong top 20 dòng virus lây nhiễm mạnh ở Việt Nam.
Phát tán mạnh nhất phải kể đến các dòng như RedLineStealer, ArkeiStealer, Fabookie… đều nằm trong top 20 dòng vi rút lây nhiễm mạnh ở Việt Nam. Nếu như năm ngoái, các vi rút này vẫn còn “sơ khai”, chỉ đánh cắp dữ liệu tài khoản, mật khẩu, cookies… thì năm nay, chúng đã được “nâng cấp” để đặc biệt nhắm vào các tài khoản Facebook Business, truy vấn thêm các thông tin về phương thức thanh toán, số dư...
Khai thác thành công, hacker sử dụng chính tài khoản nạn nhân để âm thầm chạy quảng cáo thay vì ngay lập tức chiếm tài khoản, hòng kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao thứ hạng (SEO) các trang web phát tán mã độc...
Các dòng vi rút đánh cắp tài khoản chủ yếu lây lan qua các phần mềm bị bẻ khóa (crack). Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của Bkav, khi có tới 53% máy tính tại Việt Nam có sử dụng phần mềm crack. Điều này cũng dẫn tới việc khoảng 10% người dùng tại Việt Nam bị mất tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng... Những tài khoản bị đánh cắp này sẽ bị kẻ xấu sử dụng để tiếp tục lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.
Dự báo trong năm 2024, sự phát triển nhanh chóng của AI không chỉ mang lại những lợi ích rõ ràng mà còn tạo ra những nguy cơ đáng kể cho an ninh mạng. Thách thức lớn nhất đối diện với công nghệ AI ngày nay là lừa đảo và tấn công có chủ đích APT, với mức độ ngày càng phức tạp của các kịch bản lừa đảo, đặc biệt khi kết hợp giữa Deepfake và GPT. Khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng thông qua AI cho phép tạo ra những chiến lược lừa đảo tinh vi, khiến việc nhận diện lừa đảo sẽ khó khăn hơn đối với người dùng.
Tấn công APT cũng tiếp tục gia tăng khi dữ liệu quan trọng của các tổ chức luôn là đích nhắm của tội phạm mạng trên khắp thế giới. Những cuộc tấn công này không chỉ phức tạp hơn mà mức độ đe dọa cũng đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới việc đánh cắp và mã hóa các dữ liệu quan trọng. Điều này đòi hỏi sự tăng cường về mặt phòng thủ an ninh đối với các hệ thống trọng yếu.