Hiện giá bình quân xuất khẩu gạo trong 11 tháng qua đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những ngày này, giá gạo 5% xuất khẩu của nước ta tăng mạnh và neo ở mức cao.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 29/11, gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu có giá 663 USD/tấn, vượt xa so với 625 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn hàng Pakistan. Tương tự, gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở ngưỡng cao 643 USD/tấn - mức giá đắt đỏ nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.
Liên quan đến chất lượng và giá gạo, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, một thời gian dài gạo Việt bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, chỉ bán giá rẻ. Song, những năm qua, chất lượng hạt gạo Việt dần được cải thiện. Chúng ta có những loại gạo ngon không thua kém gì, thậm chí vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Việc giá gạo tăng cao, vượt xa hàng cùng loại của Thái Lan, cũng khẳng định được chất lượng của gạo Việt trên thị trường thế giới.
Cùng với giá trị xuất khẩu tăng cao, mới đây hạt gạo Việt Nam tiếp tục đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường: "Năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam gửi 6 loại gạo đi dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi bằng gạo LT28 và Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi với gạo TBR39-1 và nếp A Sào. Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam trở thành gạo ngon nhất thế giới, gạo Campuchia xếp thứ hai, gạo Ấn Độ xếp vị trí thứ ba".
Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành gạo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Với đề án trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL là nội dung mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh...
Bộ trưởng chỉ rõ, con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Chúng ta tích hợp đa giá trị, là kinh tế tuần hoàn. Từ rơm, trấu, cám... có thể làm được rất nhiều sản phẩm khác, tại sao không tận dụng? Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến.
Giữa tháng 12, tại Hậu Giang sẽ diễn ra Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023. Theo Bộ trưởng Hoan, không có lý do gì để một cường quốc lúa gạo như Việt Nam không dám thể hiện mình. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất cũng như chất lượng hạt gạo quê hương.