Theo tìm hiểu của Phóng viên, toàn bộ đất rừng sản xuất (rừng cây keo tái sinh) tại khu vực dốc Quán Châu, xã Hợp Thắng của hộ bà Nguyễn Thị Mến đã được chuyển nhượng cho bà Đinh Thị Yến. Tuy nhiên khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, gia đình bà Yến đã tự ý san lấp, xây dựng công trình và trồng các loại cây cảnh.
Trong vai một người đi mua cây, Phóng viên được quản lý ở đây nhiệt tình giới thiệu cây cảnh đa chủng loại với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Tất cả các gốc cây này đều mới được chuyển ra đây trong thời gian ngắn.
Một lãnh đạo UBND xã Hợp Thắng cho biết: "UBND xã sau khi phát hiện sự việc trên đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành lập biên bản để xử lý vi phạm hành chính về hành vi xây công trình kiên cố nhà ở trên đất lâm nghiệp và yêu cầu gia chủ dừng thi công và chờ xử lý các bước tiếp theo".
Theo biên bản làm việc ngày 22/2/2023 của UBND Hợp Thắng, gia đình bà Yến đã xây công trình bằng gạch xi măng, mái lợp tôn và nền láng xi măng và trồng các loại cây không đúng quy định cho phép như: tùng, sung, lộc vừng, vú sữa, bồ quân…
Căn cứ các hồ sơ liên quan, UBND xã Hợp Thắng yêu cầu hộ bà Đinh Thị Yến dừng ngay việc xây dựng và có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ công trình đã xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Đồng thời thu dọn, di chuyển toàn bộ số cây cối đã trồng không đúng quy định của pháp luật trên đất lâm nghiệp trước ngày 26/2/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Yến vẫn chưa di dời cây cũng như chưa có biện pháp khắc phục hậu quả.
Trao đổi về vấn đề bảo vệ rừng, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN cho rằng: Nhận thức được sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với loài người, từ nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm hướng tới bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đang có, mở rộng diện tích rừng trồng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Điều này được thể hiện rõ qua các chương trình cụ thể. Thế nhưng trên thực tế, đáng buồn thay việc trồng rừng, tăng diện tích che phủ trên cả nước vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của chúng ta trong khi tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cũng cho rằng, đất rừng nguyên sinh, phòng hộ hay đất rừng sản xuất đều có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ đất, nước và điều hòa không khí, do đó trong quá trình thẩm định, các địa phương phải hết sức thận trọng.
Còn theo chia sẻ của TS. Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk, phải xác định độ ổn định lâm phần để xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng rừng bền vững (đặt trong bối cảnh toàn cảnh quan). Đã ổn định thì không chuyển đổi mục đích sử dụng trong một thời gian nhất định – trừ trường hợp đặc biệt quan trọng.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, việc xây nhà nhà trên đất lâm nghiệp là trái quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”.