Thù lao chi cho Hội đồng quản trị
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023, Sacombank đã tăng quỹ thù lao cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng thêm 22% so với cùng kỳ, ở mức 29,9 tỷ đồng trong khi số lượng nhân sự vẫn duy trì ở mức 7 người kể từ tháng 4/2022. Bình quân mỗi thành viên HĐQT của nhà băng này nhận được mức thù lao tới 358 triệu đồng/tháng trong năm 2023, tăng 67 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ.
Đối với ngân hàng VPBank, trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi năm 2023, Chủ tịch HĐQT Ngô Trí Dũng vẫn được nhận mức thù lao 3,36 tỷ đồng. Con số thu nhập này không thay đổi so với năm 2022; tương ứng mỗi tháng năm 2023 ông Dũng nhận về 280 triệu đồng tiền thù lao từ VPBank.
Còn tại ngân hàng MSB, thù lao trả cho 6 thành viên trong HĐQT năm 2023 là hơn 15 tỷ đồng, giảm 8% so với mức 16,4 tỷ đồng của năm 2022. Trong đó, Chủ tịch Trần Anh Tuấn không nhận thù lao, các thành viên còn lại có thù lao dao động 1,5-3,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 125-267 triệu đồng/tháng.
Đối với ngân hàng LPBank, trong năm 2023, LPBank đã chi gần 8,6 tỷ đồng để trả thù lao cho HĐQT, giảm mạnh so với mức chi gần 21,2 tỷ đồng trong năm 2022.
Được biết, năm 2023, HĐQT của LPBank có 7 thành viên, tăng thêm 1 thành viên so với năm 2022. Tuy nhiên, cá nhân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy không nhận thù lao từ ngân hàng. Với các thành viên HĐQT còn lại của LPBank, mức thù lao bình quân năm vừa qua vào khoảng 120 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, cũng trong thời gian này, Ngân hàng VIB đã trả khoản thù lao 13,2 tỷ đồng cho HĐQT, tăng tới 140% so với năm liền trước dù số lượng thành viên không thay đổi. Như vậy, mỗi thành viên trong HĐQT VIB đã nhận về mức thù lao bình quân khoảng 183 triệu đồng/tháng.
Còn tại ngân hàng quốc doanh Vietcombank, trong năm 2023, nhà băng này chi 16,8 tỷ đồng cho việc trả thù lao HĐQT, giảm 11% so với năm 2022. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng nhận 1,63 tỷ đồng, tương đương 136 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, vị này đã thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1 sau khi được điều động làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Cùng mức thu nhập như trên có 2 thành viên HĐQT Vietcombank khác là ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT kể từ ngày 1/1 và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng.
Tuy nhiên, cả 3 sếp lớn nói trên đều có mức thu nhập thấp hơn đáng kể so với các thành viên còn lại trong HĐQT Vietcombank, với thù lao cả năm hơn 2,3 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng nhận được 192 triệu đồng.
Một ngân hàng khác trong nhóm tư nhân có tổng tài sản lớn là SHB không công bố chi tiết mức lương, thưởng của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Tuy nhiên, trong năm ngoái, 10 thành viên HĐQT của ngân hàng nhận mức thù lao hơn 14 tỷ đồng, cao hơn gần 1,4 tỷ so với 2022. Nếu chia trung bình, mỗi thành viên được nhận thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng. Song, số tiền thực nhận của các lãnh đạo nhà băng sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí và vai trò, đóng góp.
Chủ tịch HĐQT hưởng mức thù lao cao nhất
Trong nhóm ngân hàng Big 4, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV, nhà băng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam năm 2023 nhận thù lao hơn 2,48 tỷ đồng, tăng 6,4% so với mức 2,3 tỷ đồng trong năm 2022.
Tương tự, thù lao của Chủ tịch VietinBank cũng tăng nhẹ từ 2,46 tỷ đồng lên 2,48 tỷ đồng. Theo đó, thù lao của ông Trần Bình Minh trong năm 2023 tăng gần 1%, song thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng - Cựu Chủ tịch Vietcombank lại có thu nhập giảm hơn 2,4% so với năm 2022, từ 1,67 tỷ đồng xuống 1,63 tỷ đồng dù 2023 vẫn là năm "ăn nên làm ra" với nhà băng . Tuy nhiên, từ 1/1/2024, ông Dũng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Còn trong nhóm thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản top đầu, thù lao của các vị Chủ tịch nhà băng cũng có sự phân hóa mạnh từ mức 1,8 tỷ đồng đến 8,6 tỷ đồng.
Được trả thù lao cao nhất trong nhóm này là ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank. Năm ngoái, chủ tịch Sacombank nhận hơn 8,6 tỷ đồng. Số tiền này gấp 3-4 lần người đồng cấp tại các ngân hàng quốc doanh.
Xếp sau ông Dương Công Minh là ông Kim Byongho - Chủ tịch HDBank, thành viên độc lập có thu nhập hơn 5,1 tỷ đồng. Mức thù lao của Chủ tịch ngoại quốc này có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022, tăng hơn 280%. Tuy nhiên, cũng trong danh sách Hội đồng quản trị ngân hàng, thù lao của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo "chỉ" ở mức 1,85 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022.
Còn tại MB, Chủ tịch Lưu Trung Thái ngồi vào "ghế nóng" từ 4/2023. Dù chưa lãnh đạo ngân hàng tròn một năm, vị lãnh đạo này nhận mức thù lao hơn 1,98 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng hơn 220 triệu đồng.
Còn thù lao của Chủ tịch VPBank Ngô Trí Dũng không đổi. Trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi năm 2023, ông Ngô Trí Dũng nhận mức thù lao 3,36 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng vị này nhận 280 triệu tiền thù lao từ ngân hàng.
Năm 2023, VIB chi trả mức thù lao dành cho Hội đồng quản trị gần 13,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 5,4 tỷ đồng của năm trước. Trong đó Hội đồng quản trị của VIB bao gồm 5 thành viên, ông Đặng Khắc Vỹ (chủ tịch HĐQT) nhận mức thù lao gần 2,1 tỷ đồng.