Mỗi mét vuông nhà ở xã hội có thể tăng lên 40 triệu đồng
Theo dõi KTMT trên
Nhà ở xã hội cách đây 5 năm được bán với giá 14-15 triệu đồng/m2. Theo tính toán của HoREA, nếu không bỏ quy định dành 20% quỹ đất bắt buộc tại các dự án nhà ở thương mại, giá bán NƠXH có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Tốc độ gia tăng dân số cùng quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thời gian qua đã và đang kéo theo nhu cầu nhà ở tại các đô thị, trong đó có Hà Nội, ngày một gia tăng. Đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người dân.
Giá nhà xã hội thấp hơn so với nhà ở thương mại. Theo đó, đối tượng mua nhà phải đủ điều kiện mới được mua. Theo quy định, sau 5 năm, nhà ở xã hội được chuyển nhượng bình thường như nhà ở thương mại.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn 2021-2030.
Dự thảo Luật Nhà ở đã đúng khi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng NƠXH trong dự án. Nguyên nhân là vì không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng NƠXH trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp, theo HoREA chia sẻ.
Nếu xây dựng NƠXH trong các dự án trên thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất NƠXH cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán NƠXH sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2).
Con số này sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng NƠXH và sau này thì người mua NƠXH tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp.
Thông tin cho biết, ở TP.HCM, kể từ đầu năm đến nay, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại TP Thủ Đức.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản của nước ta còn bất hợp lý. Trong đó, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi phân khúc NƠXH, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở, theo đánh giá của Bộ Xây dựng cho hay.
Lý do, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà ở. Trong khi đó, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội còn dư lại khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng; còn với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng phải tích cóp trong 10-15 năm, theo phân tích của HoREA.
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường từng đưa thông tin, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đưa ra cảnh báo, TP.HCM đang xảy ra khá phổ biến tình trạng một số dự án thuộc diện là quỹ đất 20% xây NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại thuộc phân khúc cao cấp, do chi phí giá đất quá cao không phù hợp xây dựng nhà giá rẻ. Theo đó, thành phẩm nhà ở xã hội tại các dự án cao cấp đang lên đến 45-60 triệu đồng một m2, vượt khả năng chi trả của người có thu nhập thấp cần mua NƠXH.
Vì vậy, ông Châu cho rằng cần mở cơ chế cho phép linh hoạt hoán đổi vị trí quỹ NƠXH nơi có giá vừa túi tiền hơn để có thể phát triển được quỹ nhà giá trên dưới 20 triệu đồng một m2 phục vụ người có thu nhập thấp. Ông kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức: hoặc dành quỹ đất 20% để xây NƠXH trong dự án; hoặc hoán đổi quota 20% quỹ đất hoặc nhà ở bằng số lượng NƠXH tương đương.
Theo KTMT