Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường thuỷ cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư Dự án Cải tạo, Mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên-Việt Trì tỉnh Vĩnh Phúc, hoàn thành vào năm 2025.
Hiện Ban Quản lý các Dự án Đường thuỷ đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đấu thầu gói thầu lựa chọn tư vấn thiết kế dự án, sau khi thiết kế xong sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng như khởi công xây dựng dự án.
Dự án Cải tạo, Mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên-Việt Trì tỉnh Vĩnh Phúc có tổng chiều dài đầu tư hơn 11 km.
Điểm đầu khoảng Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Điểm đầu dự án tại Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) theo đường hiện hữu qua các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường đến khoảng Km47 rẽ phải đi theo hướng tuyến mới đến khoảng Km48+200 tuyến rẽ trái và đi song song với đường sắt Hà Nội-Lào Cai, kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì).
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.258 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải gần 800 tỷ đồng; ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 458 tỷ đồng (đầu tư mở rộng theo quy hoạch của địa phương).
Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý các Dự án Đường thủy chỉ đạo tư vấn thiết kế thực hiện đầy đủ công tác khảo sát, cập nhật giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, ca máy... tuân thủ theo quy định.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, phân tích, so sánh, luận chứng kinh tế-kỹ thuật lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo kinh tế-kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài, phát huy hiệu quả đầu tư.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; từng bước hoàn thiện Quốc lộ 2 theo quy hoạch; tăng cường kết nối các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.