Mức tăng lãi suất trên được công bố sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của FED. Không nằm ngoài dự đoán, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện trong khoảng 5,25-5,5%, mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2001.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ khi FED bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát vào tháng 3-2022.
Động thái này diễn ra 1 tháng sau khi Fed tạm dừng nâng lãi suất nhằm đánh giá tình trạng nền kinh tế Mỹ sau khi 3 ngân hàng lớn ở nước này sụp đổ mùa Xuân năm nay. Cùng với quyết định nâng lãi suất, Fed thậm chí còn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng thêm 1 lần nữa trong năm nay.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Các hành động chính sách tiền tệ của Fed nhằm thúc đẩy việc làm và ổn định giá cả cho người dân Mỹ. Tôi cùng các đồng nghiệp đều biết rằng lạm phát cao mang lại nhiều khó khăn khi đã làm giảm sức mua, đặc biệt là đối với những người ít có khả năng trang trải các khoản chi phí cao hơn của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhà ở và đi lại. Chúng tôi rất chú ý tới các rủi ro mà lạm phát có thể mang lại đối với việc làm và giá cả và chúng tôi cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”.
Cổ phiếu toàn cầu khởi sắc
Ngay sau khi FED tăng lãi suất, Chỉ số vốn chủ sở hữu thế giới MSCI (MIWD00000PUS), theo dõi cổ phiếu ở gần 50 quốc gia, đã phục hồi và tăng 0,03%. Tại châu Âu, chứng khoán STOXX giảm 0,53%, trong khi chứng khoán ở Đức (GDAXI) và Pháp (FCHI) cũng lần lượt giảm 0,49% và 1,35%.
Tại Phố Wall, chỉ số chuẩn S&P 500 mất đà và đi ngang trong khi Nasdaq đóng cửa ở mức thấp hơn, bị kéo xuống bởi hầu hết các cổ phiếu công nghệ.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJI) tăng 0,23% lên 35.520,12, S&P 500 (SPX) mất 0,02% xuống 4.566,75 và Nasdaq Composite (IXIC) giảm 0,12% xuống 14.127,28.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, giao dịch khó khăn sau quyết định tăng lãi suất của FED. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống 3,865%, trong khi lợi suất hai năm, thường phản ánh kỳ vọng lãi suất, giảm xuống 4,8433%.
Đồng USD giảm thấp hơn so với các loại tiền tệ chính. Chỉ số đô la Mỹ giảm 0,316%, trong khi đồng euro tăng 0,33% lên mức 1,109 USD.
Kinh tế Việt Nam có ảnh hưởng?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, khi đồng USD lên giá dưới tác động của việc Fed tăng lãi suất, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Khi chúng ta giữ ổn định giá trị của VND so với USD thì xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ ổn định hơn nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng hóa của những đồng tiền khác so với giá trị của USD.
“Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phải quan tâm để có các biện pháp điều tiết như hạ giá bán của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các nguồn hàng khác trên thế giới", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Mặt khác, ông Thịnh cho rằng, thời gian vừa qua, dưới sự điều hành lãi suất của Fed, đồng USD có lúc lên giá nhưng cũng đã giảm xuống. Việc tăng lãi suất lần này thêm 0,25% khiến USD tăng nhưng sẽ không đáng kể. Vì thế tuy cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không lớn.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất cả về biên độ và thời điểm đều nằm trong dự trù của Ngân hàng Nhà nước, vì thế Việt Nam sẽ không quá bị động trong việc ứng phó.
“Mặc dù có chịu ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD như những lần trước Fed tăng lãi suất. Đây là một trong những lý do dự báo mặt bằng lãi suất trong nước từ giờ đến cuối năm ổn định, thậm chí có thể đi xuống”, ông nói.
Cũng phân tích về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chứng tỏ biến động kinh tế đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ. Điều này làm cho giá của USD tăng lên, chắc chắn sẽ tác động đến tỷ giá giữa USD và VND, trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục tìm cách hạ mặt bằng lãi suất.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang xuất siêu sang thị trường Mỹ, do đó nguồn thu đồng USD về Việt Nam vẫn tích cực. Chúng ta chỉ cần tích cực kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát tỷ giá ở trong nước bằng cách cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tôi tin rằng NHNN sẽ có những bước cần thiết để kiểm soát tác động này", ông Doanh nói.
Riêng đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trực tiếp tại thị trường Mỹ hoặc các thị trường sử dụng đồng USD, cần xem xét biến động giá cả tác động lên mặt hàng của họ ra sao. Các tác động này sẽ rất khác nhau, có những mặt hàng sẽ có tác động tích cực nhưng phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của khách hàng ở Mỹ, ở châu Âu, thậm chí ở Trung Quốc.
"Tôi không nghĩ rằng động thái tăng lãi suất lần này của Fed sẽ ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Việt Nam, bởi chúng ta đang kiểm soát tốt xuất - nhập khẩu và nền kinh tế của chúng ta đang tiếp tục hồi phục", ông Doanh nói thêm.