Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5 vừa qua, ước tính có khoảng 37.000 chiếc ô tô mới được bổ sung cho thị trường Việt Nam, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, tiếp tục giảm 4,5% so với tháng trước đó. Trong đó, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam ước đạt 10.000 xe trong tháng 5, với tổng giá trị kim ngạch 270 triệu USD. Đây là số lượng xe nhập khẩu thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
So với con số 12.323 chiếc và giá trị kim ngạch 288 triệu USD của tháng 4 (theo báo cáo của Tổng cục Hải quan), xe nhập khẩu giảm tới 18,9% về lượng và giảm 6,3% về giá trị. Còn so với cùng kỳ năm 2022, lượng xe nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua cũng giảm mạnh 27,9% về lượng và 25,9% về giá trị.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, ô tô nhập khẩu về Việt Nam ước đạt tổng cộng 64.344 chiếc với tổng giá trị kim ngạch là 1.482 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xe nhập khẩu vẫn tăng 26,7% về lượng và 16,4% về giá trị.
Theo Tổng cục Thống kê, không chỉ ô tô nhập khẩu, mà lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng giảm trong tháng vừa qua. Một phần nguyên nhân của sự sụt giảm sản lượng ô tô giai đoạn đầu năm nay là do sức mua trên thị trường đang suy giảm. Hiện các hãng xe đang đồng loạt giảm giá, khuyến mại kích cầu với giá trị lớn, nhiều mẫu giảm đến 12% giá bán lẻ niêm yết của nhà sản xuất và phân phối.
Lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 5/2023 ước đạt 27.000 chiếc, tăng nhẹ 2,2% so với tháng 4 (với 26.400 chiếc) nhưng chỉ bằng 67,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xe ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 133.600 chiếc, giảm sâu 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên quan đến thị trường ô tô, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 4/2023 chỉ đạt 30.799 chiếc, giảm 16,2% so với tháng trước đó và tụt sâu đến 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện số liệu bán hàng ô tô tháng 5 chưa được tổng hợp song theo nhận định, khả năng phục hồi là không nhiều. Những khó khăn chung của nền kinh tế, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hay những bất ổn của tình hình địa chính trị thế giới… đang gây ra những sức ép không hề nhỏ lên thị trường ô tô.
Theo VAMA, nhiều hãng xe đã triển khai các chương trình chiết khấu lên tới 12%. Tuy nhiên, để tạo sức bật giúp thị trường hồi phục cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay phí trước bạ phù hợp. Và mới đây, VAMA và các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô, trên cơ sở tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thương hiệu Pháp luật