Loạt ngân hàng chờ lộ diện chủ mới

Nhiều cổ đông lớn, nhất là cổ đông là doanh nghiệp nhà nước, đang buộc phải rút lui khỏi các ngân hàng cổ phần. Đó là những đợt thoái vốn lớn được thị trường ngóng đợi. Nhưng sau rất nhiều ồn ào suốt 10 năm qua, các thương vụ thoái vốn đó đều không hề dễ dàng khi quy mô bán vốn khá lớn và thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Thương vụ lớn, chờ “tay to” lộ diện

Ngày 7/4/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đấu giá thành công toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank (PGB), tương đương 40% cổ phần, với mức giá chỉ cao hơn 100 đồng so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần. Tổng số tiền Petrolimex thu về là 2.568 tỷ đồng.

Như vậy, một cuộc thoái lui không dễ dàng, kéo dài suốt 11 năm, để tìm kiếm đối tác mới cho PGBank thế chân Petrolimex đã đến hồi kết. Thực tế, sau khi bỏ vốn và trở thành cổ đông lớn PGBank, từ năm 2012, theo yêu cầu của Chính phủ Petrolimex đã lên kế hoạch về việc thoái vốn tại PGB để tập trung kinh doanh các mảng cốt lõi. Tuy nhiên, việc thoái vốn hàng nghìn tỷ đồng là cả một vấn đề. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của PGBank và đến nay đây vẫn là ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống. Đến cuối 2022, vốn điều lệ của PGB đạt 3.000 tỷ đồng.

Sau thương vụ thoái vốn này, HoSE công bố danh tính các cổ đông mới cho thấy, 3 tổ chức đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PG Bank đều có nhiều mối liên hệ với một doanh nghiệp ngành ô tô, đó là Thành Công Group. Thành công cũng từng đầu tư vào Eximbank nhưng sau nhiều lùm xùm đã chấp nhập thoái lui để ngân hàng này tái cơ cấu thuận lợi.

Với sự xuất hiện của nhóm đại gia mới, thị trường chờ đợi một hướng đi mới cho PGBank sau nhiều lần bất thành trong dự định sáp nhập với VietinBank, HDBank, cũng như mới đây là những đồn đoán về MSB khi một tỷ lệ lớn cổ phần PGBank đã về tay nhóm TNG Holdings. Hiện TNG Holdings cũng giới thiệu có 2 công ty liên kết trong lĩnh vực ngân hàng, là PGBank và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chấp thuận đề nghị của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu sau lần bán ế trước đó. Năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB nhưng không thành công. Khi đó, giá khởi điểm mà VNPost công bố bán ra là 28.930 đồng/cổ phần, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần.

Phiên đầu giá vào 21/4/2023 với lượng cổ phiếu chào bán là 140,5 triệu cổ phần, tương đương 8,13% vốn điều lệ với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phần, cao hơn 50% thị giá cổ phiếu trên thị trường cuối cùng đã bị hủy. Cuộc thoái lui của VNpost bất thành dù món hàng này vẫn có nhiều đại gia thèm muốn.

Ai cũng thèm nhưng bán không dễ

Cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá là “hot” và có nhiều “tay to” luôn mong muốn sở hữu. Thế nhưng, có một thực tế là các thương vụ bán cổ phiếu ngân hàng khối lượng lớn lại không hề dễ dàng. Trước hai thương vụ của Petrolimex và VNPost thì Mobifone cũng phải rất vất vả mới thoái được vốn ra khỏi TPBank và SeABank.

null
 

Tại TPBank, phải qua 3 lần Mobifone mới thoái hết vốn tại đây. Cụ thể, từ ngày 11/4 đến ngày 10/5/2019, Mobifone thông báo đã tiến hành thoái vốn lần thứ ba tại TPBank và thực hiện bán thành công 7.110.271 cổ phiếu TPB, với giá khởi điểm chào bán là 21.350 đồng/cổ phiếu, thu về 153,34 tỷ đồng. Trước đó, Mobifone đã thực hiện thoái vốn hai lần tại ngân hàng này nhưng không thành công. Lần thứ nhất là khi TPBank chào sàn HoSE vào giữa năm 2018 và lần thứ hai là vào thời điểm cuối năm 2018, kéo dài cho đến tháng 4/2019. Còn tại SeABank, vào 9/2/2018, sau khi Mobifone bán hơn 33,4 triệu cổ phần, doanh nghiệp này đã thu về 333 tỷ đồng. Sau khi thoái hết vốn tại các ngân hàng, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản không cho phép Mobifone sử dụng vốn đầu tư vào các ngân hàng.

Một ví dụ khác là tại Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (ABB), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất vất vả và mất nhiều thời gian để thoái vốn khỏi ngân hàng này. Cụ thể, sau khi có văn bản yêu cầu thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hồi giữa năm 2013, EVN đã đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi ABB. Cuối năm 2013, EVN mới chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABB cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) của ông Vũ Văn Tiền, với giá trị 252 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 21,3% xuống còn hơn 16%. Tới cuối năm 2015, EVN bán đấu giá và giảm tỷ lệ sở hữu tại ABB xuống dưới 8,7%.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các thương vụ thoái vốn lớn khác như Vietnam Airlines thoái 24 triệu cổ phần tại Techcombank vào cuối năm 2013 hay vụ thoái vốn Maritime Bank (nay là MSB) do VNPT sở hữu cũng gặp nhiều khó khăn từ 2015 - 2017.

Trên thực tế, các thương vụ chuyển nhượng cổ phần trong ngành ngân hàng nhiều năm qua vẫn rất hấp dẫn và luôn là tâm điểm chú ý của toàn thị trường. Nhiều tổ chức lớn vẫn mong muốn làm cổ đông ngân hàng, luôn quan tâm và sẵn sàng đầu tư lớn Vì thế, sự ế vốn cũng chỉ xảy ra ở một vài thời điểm khi thị trường chứng khoán không thuận lợi, hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn. Hiện nay, ngân hàng tiếp tuc đẩy mạnh giảm tỷ lệ sở hữu chéo, hoặc/và có sự cạnh tranh giữa các nhóm nhà đầu tư... thì cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia sở hữu và cổ đông lớn của ngân hàng sẽ lớn thêm.

Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ vốn mạnh vào lĩnh vực này khi chính sách thông thoáng hơn như thương vụ SMBC của Nhật rót 1,5 tỷ USD vào VPBank đổi lấy 15% cổ phần, hay vụ vượt room ngoại tại Sacombank.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ cho phép nới room ngoại tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém từ 30% lên 49% cũng là cơ hội lớn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với sự hồi phục của thị trường chứng khoán, đà thuận lợi khi ngành ngân hàng làm ăn thắng lớn trong nhiều năm qua, các thương vụ thoái vốn được kỳ vọng sẽ sôi động và thành công nhiều hơn.