Loạt công ty bất động sản, xây dựng lớn bị ngân hàng siết nợ

Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng có tiếng tăm đã bị ngân hàng siết nợ.
loat-tai-san-bi-rao-ban-1698594649.jpeg
 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để thu hồi nợ. Theo đó, ngân hàng này rao bán 84 căn biệt thự thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa (Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn - FLC Sầm Sơn Golf Links).

Toàn bộ 84 căn biệt thự nói trên sẽ được bán chung, không bán riêng lẻ. Giá khởi điểm gần 550 tỷ đồng, thấp hơn so với giá khởi điểm 610 tỷ đồng được đưa ra vào đầu tháng 9.

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa có quy mô 300 ha và tổng mức đầu tư 12.088 tỷ đồng. Dự án do CTCP Tập đoàn FLC phát triển, được khởi công vào tháng 5/2014 và chính thức vận hành vào tháng 7/2015.

OCB từng là chủ nợ lớn nhất của FLC với tổng dư nợ khoảng 1.531 tỷ đồng tại ngày 30/3/2022, bao gồm 713 tỷ đồng nợ tín dụng và 818 tỷ đồng nợ trái phiếu được bảo đảm bằng các quyền sử dụng đất.

Những tháng gần đây, Agribank cũng liên tục rao bán các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong đó, Agribank chi nhánh Tràng An đăng bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4.

Bên cạnh đó, nhà băng này còn một khoản nợ phải thu hồi với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc, giá khởi điểm rao bán lần thứ 3 gần 253 tỷ đồng.

Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Đây là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư, được khởi công chính thức vào cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng.

Ngoài các khoản nợ nghìn tỷ liên quan đến Tân Hoàng Minh, Agribank cũng rao bán khoản nợ "khủng" của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Giá khởi điểm mới nhất được Agribank đưa ra là hơn 1.100 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Cụ thể, gồm: Các tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Khu B là căn hộ hình thành trong tương lai (bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36), Công trình xây dựng hình thành trong tương lai (bao gồm Tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại).

Trước đó, Khu A của Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia với diện tích gần 6.000 m2 cũng đã bị VietinBank rao bán để thu hồi khoản nợ hơn 540 tỷ đồng cho Marina Hotel vay .

Về Marina Hotel, công ty này được thành lập tháng 11/2016, hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng. Marina Hotel được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng công trình điện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các dự án, công trình được Marina Hotel xây dựng, vận hành và quản lý trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng gồm: Cao ốc Peridot (TP HCM), khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực (Ninh Thuận), Công viên nước Cần Thơ, Khu dân cư Hoàng Tâm 1 (Cà Mau)…

Cũng tại VietinBank, ngân hàng này đang rao bán các khoản nợ của một doanh nghiệp xây dựng có tiếng. Theo đó, Chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 5 khoản nợ của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tạm tính đến ngày 11/10/2023, tổng dư nợ tại doanh nghiệp này gần 565 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn hơn 237 tỷ đồng.

Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018.

Trong đó là toàn bộ là quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) có trụ sở tại 146 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM. Từng là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thậm chí từng có thời kỳ vượt mặt hai đối thủ Coteccons và Xây dựng Hoà Bình trong mảng thầu xây dựng. Thế nhưng Descon dần rơi vào khủng hoảng kể từ sau màn đổi chủ diễn ra vào năm 2010, khi nhóm cổ đông của ông Trịnh Thanh Huy (Tổng Giám đốc Kusto Real Estate Capital) nắm quyền kiểm soát.

Vào tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của Descon bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Đến năm 2018, Tòa án nhân dân TP HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Descon theo đơn kiện của một nhà cung cấp.