Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ loại gạo và cà phê nhân xuất khẩu ra khỏi nhóm hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng 5% hiện đang áp dụng cho tiêu thụ nội địa.

Theo các hiệp hội, việc duy trì mức thuế này đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm và lãi suất chưa thực sự hạ nhiệt.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, nói việc áp dụng mức thuế suất VAT 5% làm gia tăng nguồn vốn và chi phí sản xuất của doanh nghiệp do phải nộp thuế. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng không giải ngân phần thuế này khi cấp vốn lưu động. Điều này vô tình gây áp lực tài chính và làm giảm hiệu quả kinh doanh. Đó là chưa kể việc áp thuế cũng có khả năng tạo ra những kẽ hở để một số đối tượng chiếm dụng thuế, gây thất thoát ngân sách, khiến quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu bị ách tắc.
Còn ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (VICOFA), phân tích: Thực tế, trước năm 2013, khi thực hiện luật Thuế VAT năm 2008, cà phê nhân là mặt hàng chịu thuế 5%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh khi một số đối tượng trục lợi, gian lận gây thiệt hại ngân sách cũng như gây khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Do vậy, năm 2013, Chính phủ đã đồng ý bỏ áp dụng thuế VAT với mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo quy định mới thì từ ngày 1/7/2025, cà phê nhân lại một lần nữa thuộc diện phải chịu thuế VAT 5%.
Hiện nay trên 85% tổng sản lượng cà phê nhân của Việt Nam hằng năm được xuất khẩu; còn lại là tiêu thụ nội địa. Do vậy, hầu như lượng cà phê nhân đóng thuế VAT đều được hoàn thuế nên không đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc thu thuế VAT 5% rồi sau đó lại thực hiện hoàn thuế sẽ phát sinh thêm nhiều nhân sự của cơ quan thuế phục vụ cho việc hoàn thuế. Đồng thời cũng phát sinh nhiều chi phí, thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp do thời gian và thủ tục hoàn thuế rất lâu và phức tạp.
Bên cạnh đó, điều kiện hoàn thuế VAT người bán đã kê khai, nộp thuế theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế. Quy định này gây rủi ro cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mua hàng phải chờ đợi thời gian dài mới được hoàn thuế trong khi các doanh nghiệp mua hàng đã hoàn thành nghĩa vụ trả thuế VAT cho người bán.
Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt con số kỷ lục trên 9 triệu tấn và giá trị gần 5,7 tỷ USD; trong 6 tháng đầu năm 2025, đạt trên 4,7 triệu tấn và kim ngạch 2,45 tỷ USD.
Còn đối với ngành hàng cà phê, năm 2024 xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn mang về 5,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng xuất khẩu gần 1 triệu tấn và kim ngạch đã đạt tới 5,5 tỷ USD, tăng gần 5% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.