Liên minh châu Âu cảnh báo rủi ro từ ChatGPT

Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) - một chatbot (chương trình phần mềm kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tương tác nói chuyện tự động với khách hàng) do Công ty Công nghệ OpenAI (Mỹ) phát triển chính thức ra mắt vào tháng 11/2022. OpenAI được hỗ trợ bởi Tập đoàn Microsoft.

ChatGPT được đánh giá là công cụ xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh mẽ nhất ở thời điểm này. Ứng dụng còn có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười và cả thơ.

Nhìn chung, tính linh hoạt của ChatGPT khiến nó phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau, một trong những trường hợp sử dụng quan trọng nhất của ChatGPT là khả năng tạo văn bản giống con người.

EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro an toàn thông tin 

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại các hệ thống được sử dụng bởi các ứng dụng như vậy có thể bị lạm dụng để đạo văn, lừa đảo và truyền bá thông tin sai lệch, ngay cả khi những nhà vô địch về AI ca ngợi đây là một bước nhảy vọt về công nghệ.

ChatGPT - như với bất kỳ công nghệ nào có khả năng tạo ra văn bản giống con người cũng có những lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư như rò rỉ dữ liệu cá nhân...

Do đó, người đứng đầu ngành công nghiệp Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết, các quy tắc AI mới được đề xuất nhằm mục đích giải quyết những lo ngại về rủi ro xung quanh ChatGPT và công nghệ AI. Các quy tắc này đang được thảo luận tại Brussels (Bỉ).

Ông Thierry Breton nói: "Như ChatGPT giới thiệu, các giải pháp AI có thể mang lại cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng có thể gây ra rủi ro. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một khung pháp lý vững chắc để đảm bảo AI đáng tin cậy dựa trên dữ liệu chất lượng cao".

Ủy viên EU Thierry Breton cho biết Ủy ban EU đang hợp tác chặt chẽ với Hội đồng EU và Nghị viện EU để làm rõ hơn các quy tắc trong Đạo luật AI cho các hệ thống AI có mục đích chung, như một tiêu chuẩn toàn cầu đảm bảo ChatGPT hoạt động đáng tin cậy.

"Mọi người sẽ cần được thông báo rằng họ đang làm việc với một chatbot chứ không phải con người. Tính minh bạch cũng rất quan trọng đối với nguy cơ sai lệch và thông tin sai lệch" - ông Thierry Breton nói.

Theo các chuyên gia, ChatGPT là một công cụ mạnh mẽ có thể tạo văn bản giống con người trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, giúp nó trở nên hữu ích cho nhiều ứng dụng trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI đàm thoại.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận thức được các rủi ro và thực hiện các bước để giảm thiểu khả năng sử dụng sai hoặc lạm dụng mô hình. Điều này bao gồm việc xử lý dữ liệu cẩn thận, kiểm soát quyền truy cập phù hợp cũng như giám sát và kiểm tra thường xuyên.

ChatGPT hiện được phát hành miễn phí. Nhưng những lo ngại về hành vi đạo văn của sinh viên đã khiến một số trường công lập tại Mỹ và Trường Đại học Science Po của Pháp cấm sử dụng ChatGPT.

Theo CLVN