Tesla và BYD đã vượt trội hơn hẳn so với các hãng sản xuất ô tô truyền thống về tăng trưởng lợi nhuận trong quý gần đây, nhờ vào chiến lược tập trung sớm và gần như độc quyền vào xe điện, theo Nikkei Asia.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô khác vẫn đang chật vật với quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng. Trong số 11 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Toyota Motor dẫn đầu về lợi nhuận ròng trong quý III với 573,7 tỷ yên (khoảng 3,7 tỷ USD). Tuy nhiên, con số này giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Honda Motor ghi nhận mức sụt giảm tới 61%, chỉ đạt 100 tỷ yên, trong khi Nissan Motor còn báo lỗ ròng 9,3 tỷ yên. Hãng xe Hàn Quốc - Hyundai Motor cũng chứng kiến lợi nhuận giảm nhẹ. Volkswagen ghi nhận lợi nhuận ròng giảm đến 69%. Mercedes-Benz giảm hơn 50% và BMW giảm hơn 80%. Ford Motor cũng báo cáo mức giảm 26% trong khi General Motors giữ mức giảm ở mức thấp nhờ doanh số mạnh từ các mẫu xe kích thước lớn.
Ngược lại, Tesla của Mỹ có mức tăng lợi nhuận ròng 17% so với cùng kỳ, trong khi BYD của Trung Quốc tăng 11% – đây là hai hãng ô tô duy nhất trong danh sách đạt tăng trưởng. Tesla cũng dẫn đầu về lợi nhuận tính trên mỗi xe bán ra, với con số cao hơn gấp ba lần Toyota.
Sự nổi lên của BYD tại Trung Quốc – thị trường chiếm khoảng 30% thị phần ô tô toàn cầu, đã góp phần vào sự sụt giảm của các hãng xe truyền thống. Theo GlobalData, xe điện được dự đoán sẽ chiếm 24% nhu cầu ô tô mới tại Trung Quốc trong năm nay, tăng từ 10% vào năm 2021, trong khi thị phần của xe chạy xăng dự kiến giảm từ 81% xuống 48%.
BYD đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang xe điện và xe lai sạc ngoài (plug-in hybrids). Doanh số toàn cầu của hãng tăng 38% trong quý 7-9 lên 1,13 triệu xe, với doanh số xe plug-in tăng 76% đạt 680.000 chiếc.
Hơn 90% doanh số của BYD đến từ thị trường nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của BYD đã gây áp lực lớn lên các đối thủ đến từ châu Âu và Nhật Bản. Doanh số của Volkswagen, Mercedes-Benz và Toyota tại Trung Quốc giảm khoảng 20% trong quý III so với hai năm trước, trong khi Nissan và Honda sụt giảm đến 50%.
Tại thị trường ô tô Mỹ, nơi các hãng Nhật Bản đang ghi nhận phần lớn doanh thu, tăng trưởng ngoài dòng xe hybrid gần như không đáng kể. Các nhà sản xuất ô tô đang tăng cường hỗ trợ từ các đại lý nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho.
Theo Cox Automotive, lượng xe mới còn tồn kho trung bình tại Mỹ đạt 81 ngày vào cuối tháng 9, so với 58 ngày vào tháng 8/2023. Chi phí khuyến mãi tăng khoảng 50% so với năm ngoái, lên mức 3.500 USD.
Bên cạnh áp lực từ đối thủ cạnh tranh, các nhà sản xuất ô tô truyền thống còn đang chật vật với khoản đầu tư lớn vào xe điện. GM đã hai lần trì hoãn kế hoạch đầu tư vào nhà máy sản xuất xe bán tải điện. Hãng cũng đang xem xét lại mục tiêu sản xuất 1 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2025. Ford sẽ tập trung đầu tư vào các mẫu xe điện nhỏ hơn trong tương lai.
Khác với các đối thủ truyền thống, Tesla và BYD chưa bao giờ sản xuất xe chạy xăng, cho phép họ tập trung toàn lực vào xe điện và xe hybrid sạc ngoài và chiến lược này đã giúp họ thu được thành công. Tại Việt Nam, hãng xe VinFast cũng đã khai tử xe xăng từ năm 2021 để chuyển dần sang xe điện và thu được thành tựu ban đầu khi vừa trở thành hãng xe top 1 thị trường vào tháng vừa rồi.
Sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng vào tháng 1 có thể mang lại rủi ro làm suy giảm thêm doanh số ô tô tại Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông đã đề xuất mức thuế bổ sung từ 10% đến 20% nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo việc làm, mà các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ chuyển gánh nặng chi phí này lên người tiêu dùng.
Ông Trump cũng có thể sẽ rút lại Đạo luật Giảm Lạm phát, bao gồm các ưu đãi thuế cho việc mua xe điện. "Chúng ta sẽ cần thận trọng với các quy định của Mỹ và những rủi ro sụt giảm nhu cầu tại các nền kinh tế mới nổi," Akira Kishimoto, nhà phân tích tại JP Morgan Securities Japan, nhận định.