Ngày 27/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại Hà Nội.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo VietinBank đánh giá 2023 là một năm với nhiều khó khăn, tuy nhiên ngân hàng vẫn ghi nhận nhiều kết quả khả quan, trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2022.
Giai đoạn 2024-2029, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng từ 9-10%/năm, dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động cũng tăng từ 9-10%/năm, tỷ suất sinh lợi/vốn chủ sở hữu (ROE) từ 16-18%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Năm 2024, VietinBank lên kế hoạch kinh doanh với tổng tài sản tăng trưởng từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%.
Về mức thù lao, VietinBank duyệt chi ngân sách thù lao năm 2024 của HĐQT và BKS tối đa bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2024. VietinBank cũng chưa công bố chính thức kế hoạch lợi nhuận cụ thể năm 2024 vì còn phải đợi phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp, rơi vào kịch bản khiêm tốn nhất là lợi nhuận năm 2024 của nhà băng này không thay đổi so với năm trước, ngân sách thù lao cho HĐQT và BKS sẽ là 48,64 tỷ đồng, tương đương mức thù lao bình quân sẽ là 4,21 tỷ đồng/người.
Tuy nhiên, năm 2023, VietinBank cũng được ĐHĐCĐ thông qua tờ trình mức chi thù lao tối đa cho HĐQT và BKS tối đa bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2023, nhưng mức chi thực tế chỉ 0,14% lợi nhuận sau thuế của năm.
Theo đó, thù lao cho các thành viên HĐQT là 15,746 tỷ đồng (tương đương thù lao bình quân 1,96 tỷ đồng/người) và thù lao cho các thành viên BKS là 3,855 tỷ đồng (tương đương thù lao bình quân 1,285 tỷ đồng/người). Riêng thu nhập của ban điều hành trong năm 2023 là 16,772 tỷ đồng (tương đương mức lương bình quân 2,096 tỷ đồng/người).
Đối với thu nhập bình quân của nhân viên năm 2023 là 34,47 triệu đồng/tháng. Năm 2022 con số là 31,57 triệu đồng/tháng đối với một nhân viên của Vietinbank.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết ngân hàng sẽ tập trung thực hiện kế hoạch trung hạn 3 năm 2024 - 2026 với cổ đông chiến lược và kế hoạch dài hạn 2024 - 2029. Hàng năm, VietinBank đều thực hiện rà soát, chỉnh sửa phù hợp với thị trường dựa trên nghiên cứu thị trường và ý kiến của các chuyên gia.
VietinBank thường chủ động lập kế hoạch từ cuối quý III, đầu quý IV năm trước, dựa trên nghiên cứu thị trường, ý kiến của các chuyên gia độc lập để xây dựng các kịch bản, đưa ra các thông số mô hình để đưa ra kế hoạch cho năm sau.
"Vì vậy nên khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh của VietinBank rất cao," ông Minh nói.
Về tăng trưởng tín dụng, VietinBank vẫn có tăng trưởng tốt trong quý I, tốc độ tăng trưởng của CTG khoảng 3,7%, đến hiện tại là hơn 4,1%.
Với kế hoạch và kết quả như vậy, Vietinbank cam kết sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5% - 10%. Về kiểm soát chất lượng tín dụng, ngân hàng có mô hình phân luồng quản lý rủi ro, bắt nguồn ngay từ nhóm 1, khoản nợ có dấu hiệu chậm trả là đã phải quan tâm.
“Chúng tôi khá tự tin về chất lượng tín dụng hiện nay và kiểm soát được chi phí dự phòng,” Chủ tịch Trần Minh Bình chia sẻ với cổ đông.
Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của Vietinbank tăng nhẹ 2% so với đầu năm lên gần 2,08 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3% lên hơn 1,51 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1% lên gần 1,43 triệu tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá giảm 12% về còn 101.544 tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của VietinBank có phần đi xuống khi tổng nợ dưới chuẩn tính đến ngày 31/03/2024 là 20.401 tỷ đồng, tăng gần 23%.
Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đạt 6.685 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần so với đầu năm, nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng từ 4.721 tỷ đồng lên 5.539 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,13% của đầu năm lên 1,35%.